
Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965 - 3,4/4/2025), ngày 31/3, TP Thanh Hóa đã tổ chức lễ khánh thành khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại công trường đê Nam sông Mã ngày 14/6/1972, thuộc phường Nam Ngạn.
Hơn 50 năm trước, những ngày cuối tháng 4/1972, Mỹ điên cuồng ném bom xuống cầu Hàm Rồng và đê sông Mã. Trước tình hình đó, Bộ Thủy lợi chỉ định Thanh Hóa phải mở rộng 3 vị trí đê, trọng điểm số một là đê Nam cầu Hàm Rồng. Thực hiện chủ trương trên, tỉnh Thanh Hóa quyết định điều động bộ phận cơ giới và 5.000 dân công thuộc 3 huyện, thị xã cùng học sinh 5 trường tại địa phương.
Vị trí đắp đê là bờ hữu sông Mã cách cầu Hàm Rồng 1 km. Vào 9h10 phút ngày 14/6/1972, khi trên công trường còn khoảng 1.700 người đang làm việc, máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện ném bom tới tấp. Có tới 24 quả bom dội xuống công trường. 64 giáo viên, học sinh Trường Y sỹ, Trường Sư phạm 7+3 Thanh Hóa, dân công Đông Sơn đã hy sinh, 96 người bị thương. Phần lớn những người hy sinh tuổi đời còn rất trẻ.
Với lòng thành kính, biết ơn các giáo viên và học sinh Trường Y sĩ, Trường Sư phạm 7+3 và dân công Thanh Hóa tham gia đắp đê đã anh dũng hy sinh khi tuổi mới đôi mươi, công trình khu tưởng niệm tại đê Nam sông Mã là sự tri ân của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân TP. Thanh Hóa đối với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Khu tưởng niệm có tổng diện tích khoảng 2,05 ha, gồm 2 khu vực chính. Khu vực trong đê có diện tích 11.230 m2, bao gồm các hạng mục: Nhà lưu niệm giáo viên và học sinh, nhà quản lý đón tiếp khách, khu tưởng niệm nữ sinh (hồ sen, sân lễ, đền thờ nữ sinh, cây xanh...), khu tái hiện lịch sử, khu trồng cây lưu niệm, giao thông đối ngoại.
Khu vực ngoại đê có diện tích 9.270 m2, gồm các hạng mục: Tượng đài được điêu khắc bằng đá grannit tự nhiên, thể hiện 7 nhân vật với các tư thế khác nhau của thầy cô và học sinh trong diễn biến của quá trình đắp đê trong cuộc không kích của Mỹ ngày 14/6/1972 và các hình ảnh tái hiện quân dân Nam Ngạn hiệp đồng chiến đấu, cứu chữa thương binh; Khu tượng đài nữ sinh, bến thuyền thả hoa đăng, miếu thờ, bia ghi dấu sự kiện lịch sử, khu tái hiện không gian làng Nam Ngạn truyền thống...
Khu tưởng niệm được khánh thành và đi vào hoạt động sẽ gắn kết với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: Cầu Hàm Rồng, núi Ngọc, trận địa pháo cao xạ C4, đồi “Quyết Thắng”, tượng đài Thanh niên xung phong chiến thắng, tượng đài Nam Ngạn chiến thắng, đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ... không chỉ là nơi tưởng niệm, tri ân các Anh hùng, liệt sĩ, mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau./.