
Tái diễn “được mùa, mất giá”
Theo thống kê của Cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm nay, nước ta xuất khẩu gần 723.800 tấn sắn và sản phẩm sắn, giá trị đạt 233,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, tuy lượng sắn xuất khẩu tăng 14,9% nhưng giá trị lại giảm mạnh 19%.
Đáng chú ý, giá bình quân xuất khẩu mặt hàng này giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2024, về mức 327 USD/tấn.
Trong 2 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất, chiếm tới 94% kim ngạch xuất khẩu sắn của nước ta. Theo đó, các doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu gần 693.000 tấn sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc, thu về 219,6 triệu USD.
Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, do nhu cầu tiêu thụ thấp, lượng tồn kho tại cảng Trung Quốc tăng cao, tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung tại các nước Thái Lan, Việt Nam, Lào lại dồi dào, khiến cho quốc gia tỷ dân này dễ dàng “ép giá” thu mua sắn với giá rẻ.
Tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa, sắn hiện nay được bán với giá chỉ 900 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với mức giá khoảng 3.000 đồng/kg trong các năm trước. Cảnh tượng các đống sắn chất đầy bên lề đường, không có người thu mua, đang diễn ra phổ biến tại các xã Mường Lý, Pù Nhi, Tam Chung của huyện.

Theo phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Lát, trên địa bàn huyện có hơn 3.000 ha sắn, mỗi năm giúp người dân thu về hơn 100 tỷ đồng. Năm nay, tuy sản lượng sắn cao hơn nhưng giá lại giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm, khiến doanh thu từ cây trồng này ước chỉ còn 50-60 tỷ đồng, hụt 40-50 tỷ đồng so với vài năm trước.
Nhiều nông dân trồng sắn tại Gia Lai, Thanh Hóa, Điện Biên, Tuyên Quang,... cũng đang đối mặt với khó khăn khi giá sắn giảm gần một nửa so với năm trước, dao động từ 1.300 đến 1.700 đồng/kg.
Tại Tây Ninh, giá sắn tươi cũng đang tuột dốc không phanh. Giá sắn tươi được các kho thu mua từ 1.900 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg với sắn đủ 30 điểm, trong khi đó mọi năm giá sắn tươi dao động khoảng 3.000 đồng/kg. Sắn càng ít điểm giá mua càng thấp. Đây là mức giá thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Nhu cầu nhập khẩu giảm
Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhu cầu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc chậm lại trong năm 2024 đã ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhu cầu nhập khẩu sắn lát ở Trung Quốc giảm mạnh từ đầu năm 2024 đến nay. Nguyên nhân là do giá ngô thấp nên các nhà máy chế biến sắn tăng tỷ lệ sử dụng ngô thay cho sắn lát.
Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho các nhà máy chế biến và sản xuất sắn của Việt Nam, mặc dù đang chính vụ nhưng nhiều nhà máy sắn có kế hoạch dừng máy nghỉ vụ sớm. Trong khi đó, trên cả nước, do diện tích sắn vụ 2024-2025 ước tính tăng khoảng trên 10% so với vụ trước 2023-2024, sản lượng sắn củ tươi chưa thu hoạch còn nhiều, dự kiến buộc phải chuyển sang làm sắn lát hoặc để cây sắn qua vụ sau.
Trước thực trạng ngành sắn gặp nhiều khó khăn, Bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030 sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu sắn ổn định; phát triển biện pháp canh tác năng suất cao, bền vững nhất là vùng đất nghèo, đất dốc. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại trên cây sắn, đặc biệt là bệnh khảm lá.
Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến tuần hoàn trong ngành hàng sắn, tận dụng mọi phụ phẩm trong chế biến sắn để tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường nhằm mở thêm thị trường, thị phần, đa dạng chủng loại hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu các sản phẩm từ sắn.
Ngoài ra, để cạnh tranh với Thái Lan trong việc xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn, Cục xuất nhập khẩu khuyến nghị các doanh nghiệp sắn Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường thế giới.