Phát huy giá trị làng nghề từ chuyển đổi xanh
Thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có trên 5.400 làng nghề truyền thống. Các làng nghề thu hút khoảng gần 10 triệu lao động, mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, những vấn đề về ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đang đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi cần có sự thay đổi. Làng nghề truyền thống Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, bảo tồn văn hóa và tạo ra việc làm cho người dân.
Trong những năm gần đây, nhiều làng nghề đã bắt đầu áp dụng các biện pháp “xanh hóa” nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội) là một trong những làng nghề tiên phong trong việc ứng dụng chuyển đổi xanh vào phát triển nghề truyền thống. Từng đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề, Bát Tràng đã vươn mình trở thành một điểm sáng về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, đồng thời vẫn duy trì được bản sắc văn hóa và chất lượng sản phẩm gốm sứ nổi tiếng.

Trước đây, làng nghề Bát Tràng từng ô nhiễm nghiêm trọng do sử dụng lò than nung than gốm. Mỗi năm, các hoạt động sản xuất tại làng nghề đã tiêu thụ 70.000 tấn than và thải ra khoảng 130 tấn bụi. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, chính quyền và người dân Bát Tràng đã quyết tâm thực hiện chuyển đổi sang công nghệ sản xuất sạch và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, hiện tại có hơn 90% cơ sở sản xuất gốm tại Bát Tràng đã chuyển sang sử dụng lò nung bằng gas thay cho than. Thay đổi này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Nhờ có những thay đổi này, các sản phẩm gốm Bát Tràng gắn với sản xuất xanh đã thu hút được sự quan tâm của khách nước ngoài và mở rộng thị trường sang các quốc gia khác. Không chỉ dừng lại ở đó, làng Bát Tràng cũng đã phát triển du lịch theo hướng “xanh hóa” bằng việc sử dụng xe điện thân thiện với môi trường để vận chuyển khách du lịch.
Thay đổi để phát triển bền vững
Từ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030, trong đó nhấn mạnh việc phát triển làng nghề phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó, cần thúc đẩy các mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín, sử dụng những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), một trong những khó khăn của các làng nghề hiện nay là vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển đổi xanh. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí để sử dụng các công nghệ này còn cao, việc đưa máy móc, thiết bị thay thế lao động vẫn còn chưa nhiều. Ngoài ra, tốc độ thay thế nguyên liệu thân thiện với môi trường để làm sản phẩm truyền thống vẫn còn rất chậm.
PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo nhận định, một phần nguyên nhân gây ô nhiễm tại các làng nghề xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao. Sự phát triển của làng nghề dẫn tới thay đổi trong quá trình sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều người dân đã bất chấp các quy định về bảo vệ môi trường và sử dụng nhiều nguyên liệu độc hải, khó phân hủy vào quá trình sản xuất.

Cũng theo PGS. TS Vũ Thanh Ca, không gian sản xuất tại các khu vực làng nghề thường được dùng trực tiếp bằng nhà ở của người dân, nhỏ hẹp nên việc bố trí khu vực sản xuất, khu chứa nguyên vật liệu và sản phẩm rất khó khăn. Với kinh phí hạn chế, mô hình nhỏ lẻ, nhiều cơ sở sản xuất gặp khó khăn trong quá trình đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, khiến nước thải, rác thải và khí thải bị xả thẳng ra môi trường.
GS.TS.NGND Đặng Thị Kim Chi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, để người dân mạnh dạn đầu tư vào các mô hình sản xuất bền vững, cần có sự chung tay của chính quyền thông qua việc đầu tư vào các mô hình thí điểm. Khi nhìn thấy hiệu quả từ việc “xanh hóa” làng nghề, người dân sẽ chủ động hưởng ứng. Bên cạnh đó, ngoài cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật, để đạt hiệu quả thì cần có các đơn vị, tổ chức xã hội như Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… tham gia tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.