Hợp tác công tư trong nông nghiệp
Ngân hàng Thế giới đưa ra định nghĩa hợp tác công tư, hay còn gọi là hợp tác PPP, được hiểu là hình thức hợp tác trên cơ sở hợp đồng giữa nhà nước và tư nhân. Với mô hình hợp tác này, các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân sẽ ký kết thỏa thuận với cơ nhà nước để đầu tư, xây dựng, quản lý và bảo trì một cơ sở hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.
Vào năm 2020, Việt Nam đã ban hành Luật số 64/2020/QH14 về đầu tư theo phương thức hợp tác công tư. Trong đó có ghi rõ, đầu tư theo phương thức đối tác công tư “là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP”.

Hình thức đầu tư này sẽ bảo đảm lợi ích cho cả hai bên. Nhà nước có thể tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích cho người dân. Còn với đối tác tư nhân, bên cạnh động cơ doanh thu và lợi nhuận, nhà đầu tư còn được chia sẻ rủi ro và nhận được sự hỗ trợ của nhà nước khi đầu tư vào một thị trường mà trước đó do các rào cản hoặc do đặc điểm của thị trường hàng hóa công mà họ chưa được tham gia.
Từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã thành lập Ban chỉ đạo Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp theo hình thức PPP.
Tới thời điểm hiện tại, PSAV có 8 nhóm công tác PPP ngành hàng, bao gồm các nhóm về cà phê, chè, rau quả, thủy sản, gạo, gia vị và hồ tiêu, chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp, được thành lập và hoạt động với sự tham gia của 120 cơ quan, tổ chức. Việc hình thành việc hình thành 8 nhóm ngành hàng theo hình thức PPP trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành hàng nông sản chủ lực.
Thuận lợi đi kèm với khó khăn
Ngày 14/3/2025, Ban thư ký PSAV phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội nghị Hiện thực hóa Kế hoạch Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm tại Việt Nam (FIH-V) năm 2025. Hội nghị đã nêu ra những kết quả tích cực có được trong quá trình thúc đẩy hợp tác công tư nhằm phát triển nông nghiệp xanh.
Trong đó, nhóm PPP về Rau quả do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hợp tác cùng PepsiCo Foods Việt Nam, Syngenta Việt Nam triển khai mô hình đổi mới sáng tạo cho cây khoai tây. Kết quả, chiến lược Pep+ của PepsiCo hướng đến thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp tái tạo trên 7 triệu ha đất, cải thiện sinh kế cho 250.000 người trong chuỗi sản xuất nông nghiệp đến năm 2030, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu có được, vẫn còn có những khó khăn trong quá trình triển khai mô hình hợp tác này. Tại “Diễn đàn kết nối sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân” diễn ra vào tháng 7/2024, các doanh nghiệp đã chia sẻ, hợp tác công - tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng.

Theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, doanh nghiệp và người dân có nhiều ý tưởng mong muốn có tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, thế nhưng các nhà khoa học chưa tiếp cận được nguồn thông tin.
Cũng tại diễn đàn vào tháng 7/2024, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp để thúc đẩy hợp tác công tư. Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung những chính sách chuyển giao và sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng là một nội dung được quan tâm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đưa ra đề xuất Nhà nước cần xây dựng một chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh kết nối cơ sở nghiên cứu với nhà sản xuất kinh doanh khi thực hiện các dự án công tư nhằm chia sẻ rõ ràng về lợi ích, từ đó để phục vụ tốt cho phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo các chuyên gia, muốn thành công, người nông dân cần có tư duy của doanh nhân, doanh nghiệp để thực hành làm kinh tế nông nghiệp. Khi đó, người nông dân sẽ là chủ thế, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp còn doanh nghiệp đóng vai trò người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế.