Hoa gạo nhuộm đỏ nhiều cung đường xứ Nghệ hút khách thập phương

Tháng 3, hoa gạo nở rộ, đỏ cả một vùng trời. Hoa rụng đầy gốc khiến những con đường làng xứ Nghệ trở nên thơ mộng, thu hút du khách đến check-in.

Những ngày đầu tháng 3 âm lịch, hàng trăm cây gạo cổ thụ tại xã Tam Đỉnh (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) đua nhau khoe sắc, đỏ rực một khoảng trời. Hoa rụng đầy gốc, trải dài như một tấm thảm đỏ khổng lồ khiến những con đường làng quê trở nên thơ mộng, thu hút ánh nhìn của người dân lưu thông qua lại cũng như du khách thập phương tìm đến check-in.

700e22e5-48e8-45b6-a88a-e70d0559f13d-1743480090.jfif
Những cây gạo vào mùa nở rộ, đỏ rực một vùng trời tại xã Tam Đỉnh.

Con đường làng dẫn vào sân vận động trung tâm xã Tam Đỉnh có tới hàng chục cây gạo nằm dọc bên đường. Nhìn từ xa, hoa gạo bung nở như những ngọn đuốc đỏ rực bên dãy núi đá vôi. Nhiều tốp phụ nữ áo dài thướt tha tạo dáng chụp ảnh bên gốc gạo. Nhiều người thích thú nhặt hoa gạo xếp hình lá cờ tổ quốc, trái tim…

806d72f0-5bf8-4281-924b-511bf7f7bab2-1743480090.jfif
Hoa gạo nở rộ, thu hút mọi ánh nhìn của người dân lưu thông trên đường cũng như du khách.

Cây gạo (còn gọi là cây mộc miên) là họ thân gỗ, tán tròn, rộng. Cứ độ tháng Ba, hoa gạo vào mùa, cây trút lá để lộ những bông hoa rực rỡ. Hoa gạo có 5 cánh lớn màu đỏ tươi. Sau một thời gian bung lụa, hoa rụng xuống, đỏ gốc cây tạo thành những bức tranh thơ mộng. Khách thập phương thích thú tìm đến chụp ảnh lưu niệm.

60a1ff24-8bd8-4e4c-933c-a0a090e8f18c-1743480090.jfif
Hoa gạo rụng đầy gốc như những tấm thảm dài, tạo nên những con đường làng thơ mộng.

“Mỗi lần ghé qua những con đường này, tôi thường dừng xe, đứng lại ngắm nhìn một lúc, chụp ảnh. Ngắm nhìn hoa gạo nở, tôi cảm thấy thư thái, nhẹ nhõm bỡi cảnh yên bình của làng quê.

Mỗi năm, cứ đến dịp này, tôi lại chụp cho mình những tấm ảnh bên gốc gạo, đăng lên mạng xã hội làm kỷ niệm và được rất nhiều người khen ngợi từ người thân, bạn bè”, chị Nguyễn Thị Hà (trú huyện Anh Sơn) chia sẻ.

486517389-122152303892511131-5245281230587664708-n-1743480090.jpg
Nhiều phụ nữ trong tà áo dài chụp ảnh quanh gốc gạo (Ảnh: Rạng Đông).

Bà Nguyễn Thị Quỳnh (65 tuổi, trú xã Tam Đỉnh) chia sẻ, từ xa xưa, cha ông họ đã quan niệm hoa gạo là tín hiệu để nhận biết sự giao mùa và đổi giống cây trồng cho phù hợp. Cây gạo gắn với bao kỷ niệm đẹp và cũng là niềm tự hào của nhiều thế hệ của bà con xã Tam Đỉnh.

“Trước đây, xã Tam Đỉnh bị sông Lam ngăn cách, cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Để ra ngoài, họ buộc phải đi đò vượt sông Lam. Cứ mỗi lần chờ đò qua sông hay đi đâu về, người dân đều dừng chân dưới những gốc cây gạo cạnh bến đò nghỉ ngơi, trò chuyện, ngắm nhìn hoa gạo nở. Giờ đã có cầu bắc qua sông Lam, bến đò của những ngày gian khổ chỉ còn trong ký ức, nhưng những cây gạo vẫn còn đó, qua bao thế hệ vẫn hiên ngang, hùng vĩ.

Ngày nay, cứ đến mùa hoa gạo nỡ, làng Tam Đỉnh chúng tôi hàng ngày đón nhiều lượt khách lui tới để ngắm nhìn, tham quan, chụp ảnh kỷ niệm” - bà Quỳnh chia sẻ.

486404805-122152302962511131-7802613967217250340-n-1743480090.jpg
Du khách thích thú tìm đến check-in. (Ảnh: Rạng Đông).

Từ năm 2024, xã Tam Đỉnh tổ chức lễ hội hoa gạo nhằm giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp đất và người nơi đây, kích cầu du lịch, tăng nguồn thu cho người dân địa phương. Lễ hội được tổ chức từ ngày 12-15/3 hàng năm, thu hút hàng nghìn du khách.

e0165403-0c81-4e1a-9ebd-d28a16a05f87-1743480090.jfif
Lễ hội Hoa gạo ở xã Tam đỉnh được tổ chức vào giữa tháng 3 hàng năm.

Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND xã Tam Đỉnh - cho biết, xã Tam Đỉnh hiện có hơn 300 cây gạo, trong đó có 50 cây từ 50 đến hơn 100 năm tuổi, đường kính thân 5-6 người ôm. Hiện chính quyền địa phương và người dân đang tiếp tục trồng thêm hàng chục cây gạo dọc bên các tuyến đường để “phủ đỏ” các ngả đường mỗi dịp tháng Ba, tạo thêm sức hút cho lễ hội cũng như du khách./.

Nhã Hoàng