Tiền Giang: Tăng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công cho phát triển kinh tế năm 2022

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng, năm 2022, địa phương đầu tư trên 3.940 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước; trong đó, vốn ngân sách địa phương trên 2.870 tỷ đồng. Còn lại là vốn ngân sách Trung ương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh trong điều kiện bình thường mới.

Trên cơ sở phát huy nguồn vốn đầu tư công trong khôi phục và phát triển kinh tế bền vững năm 2022 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương nâng cao trách nhiệm trong quản lý đầu tư xây dựng công trình cũng như đẩy mạnh huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển.

Đặc biệt, các đơn vị rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện tốt nguồn vốn đầu tư công trong năm vừa qua, chú trọng giao vốn sớm cho các chủ đầu tư ngay từ tháng 12/2021, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công kịp thời, xem đây là nguồn lực quan trọng để khôi phục kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, các đơn vị cần khẩn trương hoàn tất hồ sơ, thủ tục đầu tư ngay từ đầu năm bao gồm các khâu: lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình để sớm triển khai thi công; khẩn trương giải phóng mặt bằng bàn giao đất sạch cho nhà thầu thi công gắn với tái định cư, hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư sớm ổn định sản xuất và đời sống, an cư lạc nghiệp…

unnamed-1641268312.jpeg
Ảnh minh hoạ

Nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả đồng vốn đầu tư công, Tiền Giang nâng chất lượng đấu thầu, tổ chức đấu thầu đúng quy định, lựa chọn nhà thầu có uy tín và năng lực; kiểm soát chặt các gói thầu thi công đảm bảo thời gian và tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cũng như phát hiện, xử lý sai phạm,tiêu cực, tránh thất thoát, lãng phí…

Ngoài ra, Tiền Giang cũng tăng cường huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ bằng các hình thức phù hợp, đặc biệt là hình thức hợp tác công tư (PPP), xã hội hóa, …Đồng thời, ưu tiên mời gọi đầu tư vào các dự án quan trọng có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như tạo động lực liên kết vùng, tiểu vùng để phát triển bền vững.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2021, địa phương đã huy động tổng vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước trên 3.853 tỷ đồng; trong đó, ngân sách địa phương trên 2.973 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách Trung ương. Đến hết năm, tỉnh đã giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công. 

Kết quả này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, là nguồn lực quan trọng góp phần bù đắp lại những ngành bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Đồng thời, đây là nền tảng để phát huy hiệu quả đầu tư công khi địa phương chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ /.