Nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP Kiên Giang lên sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy kết nối tiêu thụ

Tỉnh Kiên Giang có 269 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong số đó, có 6 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao, 36 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 227 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Với những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và các chủ thể OCOP, hiện có hơn 90% sản phẩm OCOP đưa vào sàn thương mại điện tử từ đó từng bước gia tăng kết nối, mở rộng thị trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay tỉnh có 269 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Trong số đó, có 6 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao, 36 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 227 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Hiện tại, có hơn 90% sản phẩm OCOP đưa vào sàn thương mại điện tử để kinh doanh; đồng thời, một số chủ thể tổ chức bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và thị trường đầu ra các sản phẩm khá ổn định.

ocop-kien-giang-1-1732242988.jpg
Khách hàng lựa chọn mua sản phẩm OCOP của người dân Kiên Giang. (Ảnh minh họa)

Tại Hợp tác xã nông nghiệp nông dân dứa Vĩnh Phú (huyện Giồng Riềng) có 53 thành viên, sản xuất trên diện tích 67ha, sản lượng dứa mỗi năm thu hoạch 1,4 triệu trái/ha.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, nghề trồng dứa được hình thành từ năm 2016, khi huyện có chủ trương chuyển đổi diện tích đất vườn tạp, đất nhiễm phèn sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng dứa.

Tuy nhiên, từ năm 2021 trở về trước đầu ra trái dứa không ổn định và giá khá thấp, chỉ từ 5.000-7.000 đồng/trái, người trồng có lãi khá thấp, thậm chí có hộ đạt năng suất thấp còn bị lỗ vốn. Từ năm 2022 đến nay, dứa của hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết đầu ra với mức giá ổn định giúp tăng lợi nhuận cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, trước khi được công nhận sản phẩm OCOP giá dứa bấp bênh và thương lái thường ép giá nên nông dân khó có lãi. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP đến nay thương hiệu dứa Vĩnh Phú được một số công ty đặt hàng thu mua để cung ứng cho các siêu thị nên giá bán cao và ổn định hơn trước rất nhiều.

Cụ thể, từ năm 2022 đến nay giá dứa trái loại 1 từ 11.000-14.000 đồng/trái. Trung bình mỗi ha dứa, nông dân trong hợp tác xã thu nhập khoảng 150 triệu, sau khi trừ chi phí lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/vụ.

ocop-kien-giang-3-1732243029.jpg
Đại diện các doanh nghiệp, đơn vị chức năng ký cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử. (Ảnh TTXVN)

Thông tin từ Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Kiên Giang cho biết, cùng sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart của Bưu điện Việt Nam, sàn giao dịch thương mại điện tử Kiên Giang (kigi.com.vn), đơn vị sẽ sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; phát triển các hệ thống nền tảng số; xây dựng cơ sở dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin; khai thác có hiệu quả các nền tảng số dùng chung do Trung ương và địa phương triển khai, góp phần giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, phát triển sản phẩm OCOP...

Ngoài ra, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhất là trong doanh nghiệp khởi nghiệp, người dân; tổ chức, phối hợp tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại...

Theo ông Giang Thanh Khoa - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, các sản phẩm OCOP không chỉ phản ánh sự sáng tạo tâm huyết của người dân mà còn là niềm tự hào của địa phương.

Kiên Giang thời gian qua cũng tăng cường quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua truyền thông, tham gia các sàn thương mại điện tử, bán hàng online, đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị và khuyến khích gói giỏ quà làm quà tặng cho người thân, bạn bè.

"Sản phẩm đặc trưng Kiên Giang phát triển cả về sản lượng, chất lượng và đến nay có 269 sản phẩm đều có tiềm năng lớn để thương mại hóa, kết nối tiêu thụ trong nước và quốc tế. UBND tỉnh Kiên Giang cũng khuyến khích mỗi địa phương có điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP để giúp người dân phát triển kinh tế", ông Khoa nhấn mạnh.

ocop-kien-giang-4-1732243085.jpg
Sản phẩm Yến Sào ở Kiên Giang đã xuất ngoại sang Đông Nam Á, Châu Mĩ, Châu Âu... góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP địa phương.(Ảnh minh họa)

Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương triển khai nhiều diễn đàn, hội chợ, hoạt động kết nối, nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Các chủ thể OCOP cũng đã có những bước chuyển mình, tự tin, chủ động hơn trong mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kênh phân phối.

Phát biểu tại Hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với hệ thống thương mại năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, để kích cầu sản phẩm OCOP tại địa phương, các cấp chính quyền cần quan tâm có những chính sách đưa sản phẩm OCOP trở thành những quà tặng đặc trưng địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú đầu tư gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại các điểm lưu trú, khu du lịch. Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP phải quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã, kiểu dáng bao bì sản phẩm.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong các siêu thị, các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm OCOP; doanh nghiệp sẽ cùng tham gia với địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển thành lập Hiệp hội OCOP quốc gia, đơn vị đại diện để lựa chọn những sản phẩm OCOP từ 4 sao, 5 sao để từng bước đưa các sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế./.

Bình Nguyên