“Giữ chân” hàng Việt trên sàn thương mại điện tử

Chiều ngày 20/11, Hội thảo “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử” do đơn vị Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thu thập các góp ý, hiến kế từ các chuyên gia, doanh nghiệp,... qua đó đề xuất các giải pháp, mô hình kết nối, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển trên sàn thương mại điện tử.

e43429f2ee04555a0c15-1732156382.jpg

Hội thảo “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử”, chiều ngày 20/11 tại TP. HCM.

Hội thảo “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử” trở thành nơi hội tụ của các Hiệp hội doanh nghiệp đến từ các lĩnh vực, ngành khác nhau cùng chia sẻ và thảo luận về các vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng Việt trên sàn thương mại điện tử.

Theo thông tin tại Hội thảo, những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành xu hướng tất yếu, mang đến nhiều cơ hội mới các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua khi các nền tảng TMĐT xuyên biên giới phát triển, các doanh nghiệp trong nước không ngừng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp quốc tế với nhiều lợi thế về chi phí vận hành, logistic, giá cả, đầu tư kho bãi,...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết, đã nhận lại khá nhiều ý kiến của bạn đọc trên cả nước gửi về, điều mà Báo Tuổi Trẻ được chú ý hơn hẳn chính là bày tỏ sự lo lắng về những sự “bất thường” của những đơn hàng trong và ngoài nước nhưng chỉ từ 1 - 2 ngày thì đã có mặt tại TP. HCM. Điều này, đã thôi thúc Báo Tuổi Trẻ đến tận nơi sản xuất cũng như nơi cung cấp hàng, tìm ra những điều “tìm ẩn” phía sau nó. Câu chuyện được đặt ra nhiều vấn đề: “Làm thế nào trong một thời gian ngắn, hàng mà người tiêu dùng được đặt mua có mặt tại nơi mà khách hàng mong muốn? Vì sao cũng cung đường dài như thế, cùng một mặt hàng giống nhau nhưn giá thành nước ngoài lại rẻ hơn trong nước?”

b5911603d2f569ab30e4-1732156432.jpg

Ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho rằng, có “sự bất thường” ở các đơn hàng trong và ngoài nước trên sàn TMĐT.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Hội thảo, các Hiệp hội tập trung “mổ xẻ” vào các vấn đề chính, liên quan trực tiếp đến thực trạng của TMĐT hiện nay cũng như những chính sách, tài chính, người Việt Nam dùng hàng Việt Nam và cả mức độ cạnh tranh trên thị trường.

Tiếp cận với thực trạng về TMĐT tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, TMĐT tăng trưởng khoảng tầm 18% trong năm vừa qua và tăng 30% - 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, 9 tháng đầu năm 2024, quy mô doanh số qua từng quý tăng nhưng không đều. Điển hình, Quý II có mức tăng trưởng nhẹ chỉ 0,7%. Đến quý III/2024 sức mua hồi phục tích cực hơn, tăng trưởng 18,15% so với quý II/2024.

Ngoài ra, thị trường TMĐT B2C xuyên biên giới cũng đã đạt mức tăng với 24,7% hằng năm. Đặc biệt, thị trường TMĐT xuyên biên giới toàn cầu 2022 chạm ngưỡng 894 tỷ USD, và được kỳ vọng sẽ đạt 8.138 tỷ USD vào năm 2030, với tỷ suất tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 24,7%.

Mặt khác, hoạt động logistics được xem là yếu tố góp phần quan trọng và không thể “vắng mặt” trong thị trường TMĐT. Chứng kiến tình hình thực tiễn hoạt động logistics, với tốc độ tăng trưởng đã có những bước biến động nhất định. Cụ thể, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 4.148,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi loại trừ yếu tố giá, mức tăng trưởng thực tế đạt 5,3%.

Giải pháp logistics giúp “giữ chân” hàng Việt trên sàn TMĐT

Đứng trước những thực trạng liên quan mật thiết đến thị trường TMĐT, ông Nguyễn Xuân Thảo - Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam chia sẻ về những giải pháp logistics cũng đã được vạch ra rõ, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên sàn TMĐT theo định hướng bền vững.

be4caab26f44d41a8d55-1732156477.jpg

Ông Nguyễn Xuân Thảo - Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam chia sẻ về những giải pháp logistics nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên sàn TMĐT theo định hướng bền vững.

Cụ thể: Thứ nhất, tăng cường logistics cho thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ giúp tối ưu hoá chuỗi cung ứng, cải thiện tốc độ giao hàng và đảm bảo an toàn cho hàng hoá khi vận chuyển quốc tế.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) trong kiểm soát và truy suất nguồn gốc hàng hoá được hiệu quả và nhanh chóng, giúp người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam.

Thứ ba, tăng cường hợp tác với chính phủ, các bộ ngành hải quan để cải thiện quy trình hải quan và giảm thiểu các rào cản pháp lý giúp hàng hoá lưu thông thuận lợi và nhanh chóng hơn sang thị trường quốc tế, giúp giảm chi phí cũng như tăng tính bền vững hệ thống logistics trên sàn TMĐT.

Thứ tư, kiện toàn hành lang pháp lý cho hoạt động Kinh doanh TMĐT tại Việt Nam (Ban hành Nghị định quản lý hoạt động NXK hàng hoá qua giao dịch TMĐT) và các chính sách liên quan.

Thứ năm, quy hoạch các Trung tâm phân phối hàng hoá (kho hàng) dành riêng cho kênh phân phối Thương mại điện tử tại các khu vực biên giới/ cảng hàng không (cho hàng NXK) và các Trung tâm kinh tế, đô thị lớn.

Thứ sáu, hiện nay, hầu hết các tỉnh thành đã có trung tâm logistics theo từng vừng, từng khu vực nhưng chưa có định hướng kênh phân phối đặc thù cho TMĐT.

Thứ bảy, có chính sách thu hút và tạo điều kiện để các doanh nghiệp logistics đầu tư vào kho ngoại quan cho hàng xuất, nhập khẩu qua kênh TMĐT.

Nhìn chung, TMĐT Việt Nam đã cho thấy được những thế mạnh của hàng Việt Nam cũng như những thế mạnh mà Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên nền tảng số. Bên cạnh đó, không thể không nói đến sự chung tay, góp sức từ nhiều đội ngũ trên sàn TMĐT, với cụ thể là sự cam kết, đảm bảo đưa ra những giải pháp cần thiết. Điển hình như các giải pháp về hạ tầng, bao gồm hạ tầng cứng, liên quan đến logistics, giao nhận và hạ tầng mềm, liên quan đến các giải pháp về công nghệ.

Đồng thời, Hội thảo cũng đã có đề cập đến các chính sách quảng bá, giới thiệu trên nền tảng số, liên quan đến những thói quen của người tiêu dùng và có sự can thiệp mật thiết với công nghệ hiện đại AI. Đặc biệt hơn hẳn, TMĐT đã tạo ra một sân chơi bình đẳng liên quan đến câu chuyện về kiểm soát./.

Quốc Cường - Võ Nga