Trái tim và tâm hồn của di sản Tràng An
Trên những chiếc thuyền nhỏ lướt nhẹ giữa dòng sông, hình ảnh cô lái đò với nón lá chao nghiêng, mái chèo khua nước đã trở thành một phần không thể thiếu của Tràng An. Không chỉ đưa du khách khám phá vẻ đẹp kỳ ảo của hang động, những người phụ nữ ấy còn là những người kể chuyện, mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên về vùng đất này. Và chính nhờ họ, Tràng An đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
Trong những ngày cuối năm, những cơn gió bắt đầu mang hơi lạnh của mùa Đông về, chúng tôi có dịp quay lại Tràng An sau 10 năm xa cách. Cảnh vật vẫn đẹp như ngày nào, nhưng có gì đó đã thay đổi, khiến tôi cảm thấy vừa quen vừa lạ. Tiếng mái chèo khua nước êm đềm cùng với giọng nói ấm áp của cô lái đò như một manh mối dẫn tôi đi tìm những câu trả lời cho những câu hỏi trong lòng.
Những bàn tay nhỏ thoăn thoát mái chèo cùng với giọng nói thuyết minh về những địa điểm mà hành trình sẽ đi qua, khiến chúng tôi cảm thấy như đang cùng nhau khám phá một thế giới mới. Cứ mỗi lần thuyền rẽ qua một góc cua, cô lái đò lại chỉ tay về phía những vách đá dựng đứng, những hang động bí ẩn và kể những câu chuyện huyền thoại về nơi đây, khiến chúng tôi càng thêm thích thú.
Khâm phục trước những am hiểu của cô lái đò, chúng tôi bắt đầu hỏi thăm về hành trình “đưa khách sang sông” của cô. Mỗi câu trả lời của cô như mở ra một cánh cửa dẫn đến những câu chuyện kỳ thú về Tràng An. Cô tự giới thiệu mình tên là Vũ Thị Ngát (60 tuổi), đã gắn bó với mái chèo từ khi còn nhỏ.
Theo lời cô kể, trước kia, người dân trong vùng thường xuyên dùng thuyền để kiếm sống cũng như để vận chuyển lương thực. Từng ngóc, ngách của các cửa hang đã gắn bó với cô như những người bạn tâm giao. Từ khi Tràng An bắt đầu trở thành khu du lịch, những người dân sinh sống ven sông đã vận dùng những chiếc thuyền để đưa du khách khám phá những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của quê hương.
“Những ngày bắt đầu chèo thuyền đưa khách đi tham quan, chúng tôi ngại lắm, sợ thuyền vào động khách sẽ bị cụng đầu vào hang đá… nên chúng tôi chỉ im lặng đưa khách đi, chỉ mỗi khi khách hỏi mới dám trả lời. Dần dần, tôi nhận ra rằng, các du khách rất thích nghe những câu chuyện về Tràng An. Họ muốn biết về lịch sử, văn hóa của nơi đây, và cả những câu chuyện huyền bí về các hang động. Vì vậy, tôi bắt đầu chủ động chia sẻ những gì mình biết, và nhận ra rằng, mình không chỉ là một người lái đò, mà còn là một người kể chuyện”, cô Ngát chia sẻ.
Cũng từ đó, để cho chuyến đi thêm phần hấp dẫn, cô Ngát đã bắt đầu tìm hiểu thêm về những kiến thức lịch sử, văn hóa xung quanh quần thể danh thắng Tràng An. Ban đầu cô chỉ nghĩ, nếu chuyến đi được thú vị, du khách sẽ bo nhiều tiền hơn. Chính những suy nghĩ vô tư, chất phác của cô Ngát đã góp phần đưa Tràng An vườn tầm Thế giới.
Dần dần, niềm đam mê chia sẻ về quê hương thôi thúc cô Ngát không ngừng học hỏi. Cô say mê tìm tòi, đọc sách, và trò chuyện với những bậc cao niên trong làng để hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của Tràng An. Mỗi câu chuyện cô kể, mỗi địa danh cô giới thiệu đều mang theo sự trân trọng và tự hào. Niềm vui của cô không chỉ nằm ở những lời khen ngợi của du khách mà còn ở việc được chia sẻ về mảnh đất quê hương mình với cả thế giới.
Những câu chuyện của cô Ngát không chỉ mang đến kiến thức mà còn chạm đến trái tim du khách, khiến họ cảm thấy yêu mến và trân trọng vẻ đẹp của Tràng An. Chính sự nhiệt huyết ấy đã truyền cảm hứng cho không chỉ du khách mà còn cho cả những người lái đò khác. Cùng nhau, họ đã góp phần quảng bá hình ảnh Tràng An đến bạn bè quốc tế.
Để có thể giao tiếp được với người nước ngoài, cô Ngát đã nhờ con gái dạy cho những câu giao tiếp tiếng Anh đơn giản. Mỗi một chuyến đò, mỗi nhịp chèo đưa khách nước ngoài, cô lại được trang bị thêm từ vựng. Dần dần, cô đã nói được tiếng Anh thông thạo, có thể giới thiệu cho du khách quốc tế một cách lưu loát về những kỳ quan thiên nhiên trong quần thể Danh thắng Tràng An bằng tiếng Anh.
“Có lần, một vị khách người Anh đã rất ngạc nhiên khi thấy tôi nói được tiếng Anh nên đã ngạc nhiên hỏi tôi học tiếng Anh ở đâu, dù rất muốn trả lời là tôi tự học, nhưng từ đấy tôi chưa biết nên chỉ vào người và nói I’m tự học. Không biết họ có hiểu không, nhưng tôi thấy họ dơ ngón cái lên và bảo gút gút”, cô Ngát chia sẻ.
Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, lắng nghe câu chuyện của cô Ngát, tôi cảm nhận được tình yêu sâu sắc mà cô dành cho quê hương. Cô không chỉ là một người lái đò, mà còn là một sứ giả văn hóa, mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên về Tràng An, đưa văn hóa đẹp của quê hương đến với bạn bè quốc tế.
Những nhịp chèo đưa văn hóa Việt ra thế giới
Ngày nay, khi khu du lịch Tràng An đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, hình ảnh những người lái đò với nón lá chao nghiêng, mái chèo khua nước đã trở thành biểu tượng đặc trưng không thể thiếu. Không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển, những chiếc thuyền nhỏ còn là cầu nối để du khách khám phá vẻ đẹp kỳ ảo của hang động và tìm hiểu về văn hóa, con người nơi đây.
Mỗi chuyến đi, những người lái đò không chỉ đơn thuần đưa du khách từ điểm A đến điểm B, mà còn là những người kể chuyện tài tình. Với giọng nói ấm áp và vốn hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa của vùng đất, họ đã biến những chuyến tham quan trở thành những buổi học sinh động, giúp du khách hiểu rõ hơn về vẻ đẹp của Tràng An và ý nghĩa của từng hang động, từng ngọn núi.
Gắn bó với dòng sông và những hang động từ thuở nhỏ, những người lái đò như những người bạn đồng hành thân thiết của thiên nhiên. Họ hiểu rõ từng ngóc ngách, từng hang động, và luôn biết cách kể những câu chuyện huyền thoại về nơi đây, khiến du khách cảm thấy như đang lạc vào một thế giới thần tiên.
Bên cạnh việc kể chuyện, những người lái đò còn tích cực học hỏi thêm các ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, để có thể giao tiếp trực tiếp với du khách quốc tế. Điều này không chỉ giúp du khách hiểu rõ hơn về những gì họ đang được chiêm ngưỡng, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Những câu chuyện về tình yêu quê hương, sự cần mẫn, sự thân thiện của những người lái đò đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Họ không chỉ đơn thuần là những người làm dịch vụ, mà còn là những đại sứ văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của người Việt Nam.
Nhờ đó, mà lượng du khách đến với Tràng An đã tăng gấp nhiều lần, đưa Tràng An trở thành một điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam. Và câu chuyện về những người lái đò với nón lá nghiêng nghiêng sẽ còn tiếp tục được kể, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của quê hương đến với bạn bè quốc tế.
Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, từ khi Danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới vào năm 2014 đã mở ra một chương mới cho du lịch Ninh Bình. Chỉ trong vòng 5 năm, lượng khách du lịch đến với tỉnh nhà đã tăng vọt, đạt hơn 7,65 triệu lượt vào năm 2019, gấp nhiều lần so với trước đó. Điều này chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của di sản Tràng An và những nỗ lực không ngừng của địa phương trong việc quảng bá hình ảnh và phát triển sản phẩm du lịch.
Không chỉ có Tràng An, Ninh Bình còn sở hữu nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động, cùng với hệ thống dịch vụ ngày càng hoàn thiện đã góp phần tạo nên một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Ninh Bình vẫn chứng tỏ được sức chống chịu và khả năng phục hồi mạnh mẽ. Với những tiềm năng sẵn có, du lịch Ninh Bình hứa hẹn sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai.
Đặc biệt, trong năm 2022, ngành du lịch địa phương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ với lượng khách tăng gấp 3,6 lần so với năm trước. Tiếp nối thành công đó, năm 2023 và 2024, du lịch Ninh Bình tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Quần thể danh thắng Tràng An, với vẻ đẹp kỳ vĩ và giá trị di sản độc đáo, vẫn là điểm đến thu hút đông đảo du khách, đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành du lịch địa phương.
Sự thành công của Ninh Bình không chỉ đến từ việc khai thác hiệu quả các tài nguyên du lịch mà còn nhờ vào những nỗ lực không ngừng của địa phương trong việc đầu tư phát triển hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ. Những kết quả đạt được đã khẳng định vị thế của Ninh Bình như một điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Đóng góp vào sự thành công đấy, không thể thiếu những cô lái đò với nón lá chao nghiêng, mái chèo khéo léo. Họ không chỉ là những người đưa đò mà còn là những người kể chuyện tài tình, mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên, đưa nét đẹp của quê hương vươn ra Thế giới./.