Phóng viên: Việc triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận tại Thanh Hóa. Cụ thể, sản lượng lương thực và giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã tăng trưởng mạnh mẽ. Ông có thể chia sẻ thêm về những thay đổi tích cực trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi và việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua?
Ông Cao Văn Cường: Hiện nay nông nghiệp thế giới và Việt Nam đang hướng đến nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, giảm ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xu hướng của nông nghiệp hiện nay không chỉ đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, tạo sự đột phá về năng suất và chất lượng nông sản, đảm bảo cân bằng hệ sinh thái mà còn phải đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho người nông dân.
Với sự quan tâm của Trung ương và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nông nghiệp Thanh Hóa đang trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ. Tỉnh đã chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất - tiêu thụ. Nhờ đó, nông sản Thanh Hóa ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Theo đó, quy mô giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 32.581 tỷ đồng năm 2020 lên 36.513 tỷ đồng năm 2022 (đứng thứ 8 cả nước; đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền trung). Uớc năm 2024 đạt 42.756 tỷ đồng gấp 1,32 lần năm 2020; Sản lượng lương thực hàng năm ổn định 1,57 triệu tấn; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước năm 2025 gấp 1,53 lần so với năm 2020.
Trong cơ cấu nội bộ ngành, trồng trọt thường chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng có xu hướng giảm dần diện tích, tăng năng suất và hiệu quả thông qua chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Những thay đổi trong cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp… góp phần tích cực trong phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp chất lượng cao và bền vững.
Thưa ông, để đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp 4.0, nông dân cần trang bị những kiến thức và kỹ năng gì về công nghệ thông tin, cơ giới hóa, và quản lý sản xuất? Ông đánh giá như thế nào về mức độ đáp ứng của nguồn nhân lực nông nghiệp hiện nay đối với những yêu cầu này, đặc biệt trong việc ứng dụng các công cụ và phần mềm mới trong sản xuất?
Ông Cao Văn Cường: Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ngày nay, ba công nghệ nền tảng chủ đạo: tự động hóa, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực, không chỉ ở tỉnh Thanh Hóa mà còn ở cả Việt Nam trên thế giới. Điều này đòi hỏi trình độ nguồn nhân lực phải bắt kịp với xu thế phát triển của ngành công nghệ để đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất, quản lý và tiêu dùng.
Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa thì việc chủ động, sức vươn tự thân mạnh mẽ của người nông dân là yếu tố quan trọng để kiến tạo công cuộc số hóa của ngành nông nghiệp từ “đồng ruộng lên không gian số”. Bên cạnh đó, lao động ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thiếu khá nhiều kỹ năng về quản lý, quản trị, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ, tính tuân thủ quy trình sản xuất nông sản sạch. Điều này dẫn tới giá trị của nông sản thấp, chất lượng chưa cao, gây khó khăn trong việc tiêu thụ, càng khó mở rộng thị trường ra nước ngoài, đặc biệt là những nước có tiêu chuẩn kỹ thuật cao.
Ngoài ra, những rào cản từ hạ tầng cơ sở cho sự phát triển, chất lượng nguồn nhân lực nông dân đáp ứng quá trình số hóa là một thách thức không nhỏ. Do đó, cần sự kết hợp của cả chính sách và trình độ người nông dân để chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp. Nói cách khác, muốn xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, thịnh vượng. Người nông dân trong thời đại 4.0 cần được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng hòa nhập với xu thế của sự phát triển.
Để bắt kịp xu thế của thời đại, mỗi người nông dân cần nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò chủ thể của mình trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, học hỏi, nâng cao kiến thức, trình độ, mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người nông dân cần coi sự thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ là đòi hỏi tự thân trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tạo sức vươn mạnh mẽ để bắt kịp dòng chảy của công nghệ số.
Những chính sách hỗ trợ nào đã mang lại hiệu quả tích cực nhất trong việc phát triển nông sản chủ lực của tỉnh? Ông có thể chia sẻ một số ví dụ cụ thể về những thay đổi mà các chính sách này đã mang lại cho đời sống của nông dân?
Ông Cao Văn Cường: Trong giai đoạn 2021 – 2025, các chính sách hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trong đó có sản phẩm OCOP. Tính đến hết tháng 10/2024, toàn tỉnh có tổng số 531 sản phẩm OCOP (nằm trong top 3 cả nước), trong đó có 01 sản phẩm 5 sao, 04 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 53 sản phẩm 4 sao và 473 sản phẩm 3 sao của 394 chủ thể ở 27 huyện, thị xã, thành phố.
Thông qua công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu, các sản phẩm đã tạo dựng được thương hiệu cho riêng mình và có chỗ đứng trên thị trường, như: Nước mắm Lê Gia; nước mắm, mắm Ba Làng; nem chua thành phố Thanh Hóa; rượu Chi Nê; cam Vân Du; bánh gai Tứ Trụ; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cói Nga Sơn; gạo nếp hạt cau Hà Trung; măng khô Mường Ca Da; ... có khoảng 600 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP tham gia quảng bá giới thiệu và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với trên 1.000 sản phẩm; 36 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP sang 30 nước và khu vực, kim ngạch xuất khẩu 300 – 330 triệu USD/năm; ...
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thời gian qua còn một bộc lộ một số tồn tại hạn chế như: sản phẩm có thương hiệu còn ít, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường còn yếu, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, … có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu vẫn là phần lớn các doanh nghiệp quy mô nhỏ, nguồn lực có hạn, chi phí cho sản xuất, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm còn cao, …
Để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách của trung ương và của tỉnh để thúc đẩy xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản; Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; Tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu để thúc đẩy liên kết, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn, mở rộng.
Thưa ông, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là những người có kiến thức về nông nghiệp công nghệ có phải là một trong những nguyên nhân khiến nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa chưa phát triển mạnh mẽ hơn? Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các hợp tác xã trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản? Liệu các hợp tác xã đã thực sự phát huy được hết tiềm năng của mình?
Ông Cao Văn Cường: Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là những người có kiến thức về nông nghiệp công nghệ, quả thực là một trong những thách thức lớn mà ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang phải đối mặt. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp có thể coi là giải pháp đầu tiên trong các giải pháp để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, là nhân tố quan trọng góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, các chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm OCOP. Tham gia tích cực vào các hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu để hướng tới hình thành thương hiệu sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương, phát huy tốt vai trò hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 615/772 HTX NN tham gia liên kết.
Trong thời gian tới, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò "bà đỡ", hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xây dựng các chuỗi giá trị bền vững. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp chính quyền thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, cung cấp nguồn vốn và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, hợp tác xã cũng cần chủ động đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Ông có thể khái quát về những định hướng lớn của Tỉnh để phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới? Sản phẩm chủ lực của tỉnh sẽ tập trung phát triển gồm những sản phẩm nào thưa ông?
Ông Cao Văn Cường: Định hướng để phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới là chuyển từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và thực hiện tích tụ tập trung đất đai để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học; hình thành và phát triển các chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Tập trung phát triển để nâng cao năng suất, chất lượng đối với 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnhgồm: (1) Lúa gạo; (2) rau quả; (3) ngô; (4) mía đường; (5) thịt và trứng gia cầm; (6) thịt lợn; (7) trâu thịt, bò thịt, bò sữa và các sản phẩm từ sữa bò; (8) gỗ và các sản phẩm từ gỗ; (9) tre, luồng, vầu và các sản phẩm từ tre, luồng, vầu; (10) tôm; (11) sản phẩm hải sản khai thác xa bờ; (12) ngao và các sản phẩm nuôi biển. Đặc biệt là các sản phẩm chủ lực đã đóng góp nâng tầm thương hiệu, vị thế sản phẩm chủ lực quốc gia, như: rau, quả; thịt lợn; gỗ và các sản phẩm từ gỗ (ván ép, ván sàn, dăm gỗ, đũa gỗ, đũa tre, gỗ keo ghép thanh, gỗ keo xẻ sấy).
Trân trọng cảm ơn ông!