Vĩnh Phúc, một tỉnh nằm ở phía Bắc Việt Nam, với diện tích tự nhiên rộng lớn, tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang sở hữu hơn 123.600ha đất, trong đó đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn là hơn 73,7%. Điều này thể hiện tiềm năng vô cùng lớn cho việc phát triển nông nghiệp tại địa phương này. Sự dồi dào về nguồn lao động cũng là một ưu thế quan trọng, giúp tỉnh Vĩnh Phúc có đủ điều kiện và nguồn lực để khai thác và phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao và bền vững với môi trường.
Nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Ứng dụng CNC trong trồng trọt: Về khâu chọn giống trong trồng trọt, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa nhiều giống lúa, cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, hình thành các vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tính đến nay, cả tỉnh đã hình thành được trên 4.800 ha vùng sản xuất rau an toàn tại 71 xã, phường, thị trấn.
Nhiều mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ được hình thành, phát triển, mang lại thu nhập cao cho các hộ dân như: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ với 10 ha tại huyện Lập Thạch; 2 ha trồng dưa lê theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Dương; 150 ha trồng lúa gạo theo hướng hữu cơ tại các huyện: Tam Dương, Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch; mô hình trồng rau su su theo hướng hữu cơ với 3 ha tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo,…
Ứng dụng CNC trong chăn nuôi: Lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao theo chuỗi khép kín từ khâu con giống, thức ăn, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi như các huyện Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch và Yên Lạc chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ với quy mô 1.500 con; xã Đồng Quế, huyện Sông Lô chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ quy mô 2.000 con; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các xã thuộc huyện Tam Dương, Tam Đảo;....
Phương thức chăn nuôi công nghiệp, tiên tiến, hiện đại ngày càng phát triển mạnh, đạt tới trình độ cao của sản xuất chăn nuôi. Các trang trại quy mô lớn đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường như: Các giống vật nuôi cao sản; công nghệ nuôi chuồng kín; sử dụng thức ăn công nghiệp; hệ thống máng ăn, uống tự động, ... Trên địa bàn tỉnh, đã có trang trại nuôi đến 01 ngàn con lợn nái, 10 ngàn con lợn thịt, 100 ngàn con gà đẻ trứng và có mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi - giết mổ công nghiệp - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Cơ giới hóa trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi (100% số hộ nuôi bò sữa đã sử dụng máy vắt sữa, thái cỏ đảm bảo ATTP đối với sản phẩm sữa bò). Vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường được quan tâm, chú trọng và khuyến khích các hộ chăn nuôi thực hiện.
Ứng dụng CNC trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản: Trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, mô hình ứng dụng công nghệ biofloc của Israel trong nuôi siêu thâm canh cá Rô phi, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao tại 2 xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) và Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên). Áp dụng công nghệ này nuôi được khoảng 35 con cá/m2, cá phát triển đồng đều, khi thu hoạch đạt trọng lượng từ 1-1,4kg/con, trên diện tích 1 ha cho năng suất từ 100 - 120 tấn, giá giao động từ 35000 - 40000 đồng/kg.
Mô hình nuôi cá chuối hoa trong lồng xã Kim Xá (Vĩnh Tường) đạt chất lượng tốt, thu được khoảng 50 tấn/ha. Mô hình ứng dụng công nghệ cao như nuôi cá rô phi, cá trắm, cá chép theo công nghệ cao ở các xã: Đồng Văn, Nguyệt Đức (Yên Lạc). Bên cạnh đó, nhiều đối tượng thủy sản mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất như: trai nước ngọt, cá lóc nhím, cá tầm, ếch, ốc nhồi,…
Chi cục Thủy sản đã hỗ trợ máy sục khí tạo oxy nuôi cá, hỗ trợ số lượng cá giống mới là cá rô phi đơn tính và chép lai cho các hộ chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Mô hình nuôi cá giống mới đạt năng suất, sản lượng cao gấp từ 3 - 4 lần so với nuôi các loài cá truyền thống; thời gian nuôi ngắn (5 tháng) cho thu hoạch nhanh, quay vòng vốn và có thể nuôi khép kín 2 vụ/năm, trên một diện tích ao nuôi, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho nông dân về mô hình kỹ thuật nuôi thâm canh cá nước ngọt và ứng dụng hệ thống cảm biến theo dõi các yếu tố trong môi trường nước.
Tình hình đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại Vĩnh Phúc trong những năm qua
Trong năm 2023, Vĩnh Phúc đứng thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 9 cả nước về tốc độ tăng trưởng nông nghiệp với tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản của tỉnh đạt hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2022.
Năm 2024, nhằm hỗ trợ đưa một số sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử; triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản; xây dựng mô hình điểm áp dụng đồng bộ công nghệ số trong sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng 6 danh mục, dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số và đã được HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý chủ trương với tổng kinh phí hơn 7,4 tỷ đồng.
Có được kết quả trên là nhờ những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 202 về chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ở giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 87 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; Nghị quyết số 86 về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu phát triển trồng trọt theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 59 về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 0,6 - 0,8%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt từ 8 - 10%/năm. Bảo đảm tưới chủ động cho trên 85% diện tích đất chuyên trồng lúa và 70% diện tích cây trồng trên cạn. Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) là 10 - 15%, trồng trọt hữu cơ 2%. Mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2050, đưa trồng trọt trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với ngành công nghiệp chế biến nông sản…
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gặp phải nhiều khó khăn, thách thức cần được quan tâm và giải quyết để đạt được những kết quả và thành tựu như kì vọng. Quá trình tiếp cận với khoa học công nghệ của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ Vĩnh Phúc mà đa số nông dân vẫn còn chậm trong làm chủ ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất của người dân vẫn còn theo tập quán cũ, tự do, thiếu liên kết, chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất còn thấp. Nhiều trang trại, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đối mặt với nguy cơ thiếu quỹ đất, việc sản xuất quy mô lớn vẫn gặp nhiều khó khăn do tâm lý sợ mất đất, ảnh hưởng chất lượng đất khiến người dân không muốn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất thuê lâu dài mặc dù không có nhu cầu sử dụng. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn khá lớn, tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất còn khó khăn.
Một số giải pháp góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Vĩnh Phúc
Về cơ chế, chính sách: Tiếp tục thực thi chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; thực hiện các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp lớn trong nước.
Còn về vốn và thu hút đầu tư: Thứ nhất, huy động nguồn vốn từ ngân hàng Nhà nước: Ngân hàng nhà nước cần thiết lập các chính sách ưu đãi về lãi suất, quy mô vốn vay và thời gian cho vay với từng dự án, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hộ gia đình có thể tiếp cận được nguồn vốn. Đồng thời, cần có các biện pháp hỗ trợ về vốn để khuyến khích đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ quy mô trang trại tập trung kết hợp với nuôi trồng công nghệ kỹ thuật cao.
Thứ hai, huy động vốn đầu tư từ nhân dân, doanh nghiệp và các vốn khác: Tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp xây dựng trang trại, khu chăn nuôi tập trung, mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và mở rộng quy mô sản xuất; tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần vào việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội cho cả cộng đồng.
Về khoa học công nghệ: Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ hiện đại như công nghệ sinh học, công nghệ gens, công nghệ tưới tiêu, cơ giới hóa,… để đâu tư phát triển nông nghiệp theo quy trình ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng.
Đối vơi phát triển nguồn nhân lực: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, quan tâm của xã hội đối với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư vào giáo dục; tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của DN sản xuất kinh doanh để lên phương án xây dựng kế hoạch dạy nghề phù hợp với quy hoạch phát triển NNCNC của địa phương.
Về quy hoạch đất đai: Tiếp tục thực hiện công tác tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa lớn, ứng dụng khoa học công nghệ để đảm bảo chất lượng, gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất được tích tụ.
Xây dựng các quy hoạch NNCNC trong địa bàn tỉnh: Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn; Quy hoạch cơ sở bảo quản chế biến nông sản tỉnh; Đề án tích tụ ruộng đất cho một hộ hoặc nhóm hộ thực hiện đến năm 2025, định hướng năm 2035.
Về mở rộng thị trường: Hỗ trợ khuyến khích các HTX xây dựng các trang website quảng bá sản phẩm của địa phương, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, dựng các hình ảnh, video giới thiệu sản phẩm và quy trình sản xuất sản phẩm, phát sóng trên các kênh truyền hình của tỉnh và các trang mạng xã hội để tiếp cận sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng của tỉnh về việc đăng ký thương hiệu sản phẩm, mã vạch, bao gói để phân biệt với các sản phẩm thông thường và được thực hiện cho tất cả các vùng chuyên canh sản xuất các nông sản sạch. - Về hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại: Thúc đẩy tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bằng cách xây dựng thương hiệu hàng hóa với một số mặt hàng là điểm mạnh của tỉnh như: thịt lợn sạch, rau, củ, quả sạch,…
Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo trên các mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sử dụng và trao đổi thông tin về công nghệ cao trong nông nghiệp; tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm công nghệ cao trong nông nghiệp với quy mô quốc gia, quốc tế.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc cần phối hợp với Trung tâm khuyến nông , và các cơ quan, mặt trận, đoàn thể trong tỉnh và các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tuyên truyền đến nhân dân việc phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giúp ổn định đời sống và sản xuất của người dân, nâng cao thu nhập, xây dưng một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển cao.
Với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, không thể phủ nhận vai trò của khoa học - công nghệ đối với hiệu quả của quá trình sản xuất kinh doanh, là nhân tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, của các nhà sản xuất kinh doanh và trong đó, nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng lớn. Ứng dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc là vấn đề quan trọng không chỉ nhận thức lý luận mà còn mang ý nghĩa thực tiễn trong sự phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Việc thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ là một hướng đi tự nhiên mà còn là giải pháp đáp ứng những yêu cầu ngày càng tăng cao đối với nền nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và của đất nước nói chung./.