"Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa"

Nhà giáo không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người truyền cảm hứng, động viên, và giúp học sinh định hình nhân cách và các giá trị sống. Công nghệ chỉ có thể cung cấp kiến thức, nhưng không thể thay thế được sự kết nối tình cảm và định hướng từ những người thầy, người cô. Điều này được đúc kết qua lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa".
ngay-nha-giao-viet-nam-4-1732063064.jpg
Đảng, Nhà nước luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc, luôn hết sức chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo với những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. (Ảnh minh họa)

Người thầy là biểu tượng thiêng liêng cho sự học là "khuôn vàng thước ngọc" của tri thức

Người thầy được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là "khuôn vàng thước ngọc" của tri thức, đạo đức và nhân cách để học trò noi theo mà trở thành người có đức, có tài, đứng ra giúp nước. Những giá trị này ăn sâu vào tâm thức mỗi người, trở thành truyền thống "Tôn sư trọng đạo" trong văn hóa Việt được lưu truyền trong hàng thế kỷ qua.

Truyền thống tốt đẹp ấy được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta. Trong thời đại Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta đã thể hiện khát vọng và tầm nhìn lớn lao, sâu sắc về giáo dục: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành."

Trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919, một trong tám nội dung cơ bản được Người nêu lên là: Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ. Với tư tưởng đó, cả đời Người không bao giờ ngừng học tập rèn luyện. Và bản thân Người cũng là một người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, một Danh nhân văn hóa thế giới trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Người khẳng định: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa".

Kế thừa và phát huy truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc, thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc, luôn hết sức chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo với những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục.

ngay-nha-giao-viet-nam-1-1732063124.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong buổi gặp mặt kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Phát biểu trong buổi gặp mặt kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã gửi tới các cán bộ, chuyên viên, nhân viên cơ quan Bộ lời chúc mừng tốt đẹp.

Với chia sẻ “20/11 - ngày của chúng ta”, Bộ trưởng nhắc tới những vất vả, tất bật của các cán bộ, chuyên viên, nhân viên Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng trong sự tất bật, vất vả đó có sự tự hào rất riêng.

Dành sự cảm ơn, ghi nhận, biểu dương “rất cao” cho những nỗ lực của các cán bộ, chuyên viên đang công tác tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng đồng thời chia sẻ về những kết quả quan trọng của ngành Giáo dục đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận thời gian qua. Trong kết quả chung đó có sự đóng góp của những người làm chính sách, chỉ đạo, dẫn dắt ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhấn mạnh “chưa bao giờ lực lượng nhà giáo được Đảng, Nhà nước quan tâm như bây giờ”, Bộ trưởng nhắc tới những chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước gần đây về giáo dục và đào tạo, về đội ngũ nhà giáo như Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị, trình dự thảo Luật Nhà giáo trước Quốc hội…; những phát biểu chỉ đạo giao nhiệm vụ và kỳ vọng lớn của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ… và mong muốn mỗi cán bộ, chuyên viên, nhân viên Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy được để thực hiện phù hợp. Bởi, nếu làm được, vị trí của nhà giáo, của ngành Giáo dục sẽ ngày càng được khẳng định.

Cho rằng, thời gian qua, cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm được nhiều việc, đã hết sức cố gắng, đã “mang tinh thần nhà giáo” để thuyết phục, Bộ trưởng bày tỏ: “Chúng ta cùng chúc nhau 20/11 thật vui, có thêm sự động viên, nghị lực, tình cảm, từ đó giúp chúng ta mạnh mẽ trong giải quyết công việc và vững chãi, tự tin trong cuộc sống”.

Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu

Thống kê cho thấy, tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông ở nước ta là 1,25 triệu người (tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022-2023) và gần 99.500 cán bộ quản lý. Tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo luật Giáo dục 2019 của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là 93,23%, tăng cao so với chỉ khoảng 50% vào năm 2013. Đây là những kết quả đáng tự hào cho thấy nỗ lực của Nhà nước ta trong mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy.

Bên cạnh đó, các chế độ đãi ngộ cho giáo viên cũng được cải thiện. Mức lương trung bình của giáo viên đã tăng lên đáng kể trong những năm qua, góp sức cùng các thế hệ nhà giáo Việt Nam khắc phục khó khăn, giữ vững ngọn lửa đam mê, không ngừng đổi mới, sáng tạo, thi đua dạy tốt; là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, tâm huyết với nghề. Có không ít những thầy giáo, cô giáo đã hy sinh cả tuổi xuân, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em ở những vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, vùng biên giới, hải đảo. Nhờ đó, giáo dục nước ta có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và duy trì được các thành tựu đã có. Đến nay trên 99% người dân trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi biết chữ, gần 100% trẻ em 5 tuổi được đến trường.

ngay-nha-giao-viet-nam-5-1732063152.jpg
Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông ở nước ta là 1,25 triệu người (tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022-2023) và gần 99.500 cán bộ quản lý.(Ảnh minh họa)

Giáo dục đại học đã và đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hướng tới đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Hiện nay, 241 trường đại học của Việt Nam có chuyên gia và tổ chức đào tạo hầu hết các ngành nghề có trong danh mục các ngành nghề trên toàn thế giới, kể cả những nghề mới nhất.

Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới như Đại học Bách Khoa Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…

Các đội tuyển học sinh Việt Nam tham gia thi Olympic quốc tế thường xuyên giành được thứ hạng cao. Ngành giáo dục và đào tạo cũng tiên phong trong việc chuyển đổi số.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 80% trường học hiện nay đã sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý, một con số tăng đáng kể so với chỉ khoảng 30% vào năm 2013. Những thành tựu này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, vai trò của giáo dục và nhà giáo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhà giáo không chỉ là người dạy kiến thức mà còn là người hướng dẫn học sinh phát triển nhân cách và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Có thể nói, giáo dục hiện nay yêu cầu sự linh hoạt và sáng tạo hơn bao giờ hết. Các thầy cô cần phải cập nhật kiến thức mới nhất và áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại để phù hợp với nhu cầu của thế hệ trẻ. Việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy cũng đang trở thành một yêu cầu tất yếu trong môi trường giáo dục hiện đại.

ngay-nha-giao-viet-nam-2-1732063184.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp mặt nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.(Ảnh tư liệu)

Trước đó vào ngày 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người đã từng là học trò, phụ huynh, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, những người đã và đang gánh vác trọng trách "trồng người" cao cả nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Theo Tổng Bí thư, trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; luôn luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác.

"Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc" - Tổng Bí thư nói.

ngay-nha-giao-viet-nam-3-1732063217.jpg
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo. (Ảnh tư liệu)

Trong công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới giáo dục đào tạo được Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được hoàn thiện theo hướng mở, xây dựng xã hội học tập; quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân.

Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được củng cố, duy trì và từng bước đạt chuẩn ở mức độ cao hơn.

Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn có chuyển biến tốt, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức.

Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ được triển khai, đào tạo gắn kết hơn với nhu cầu thị trường lao động; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh; công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, xuất hiện ngày càng nhiều hơn cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo xếp hạng cao trong khu vực và trên thế giới./.

Lịch sử và Ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã trở nên quen thuộc, là ngày thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt. Về nguồn gốc ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế của các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (Pháp), lấy tên là Liên hiệp quốc tế Các công đoàn giáo dục (FISE). Năm 1949, tại hội nghị ở thủ đô của Ba Lan, tổ chức này xây dựng bản Hiến chương Các nhà giáo.

Tháng 7/1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam gia nhập tổ chức giáo giới quốc tế này. Đây chính là khởi đầu cho lịch sử ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam. Tháng 8/1954, tổ chức công đoàn của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới nhất trí thông qua bản Hiến chương Các nhà giáo gồm 15 chương.

Từ ngày 26 - 30/8/1975, tại Warszawa - thủ đô Ba Lan - diễn ra hội nghị FISE với 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Hội nghị quyết định lấy ngày 20/11/1958 là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, đó chính là nguồn gốc ngày 20/11.

Liên quan trực tiếp đến nguồn gốc ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Từ đó, ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam và gắn liền với truyền thống tôn sư trọng đạo của đất nước ta. Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2024 là kỷ niệm 42 năm ra đời ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

Về ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đây là ngày lễ nhằm tri ân những nhà giáo, những tấm gương hoạt động giáo dục có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục Việt Nam.

Ngày 20/11 từ lâu được xem là ngày tôn sư trọng đạo nhằm tôn vinh các thầy giáo, cô giáo và những người làm giáo dục Việt Nam. Vào ngày này, cả xã hội và các thế hệ học trò thể hiện sự tri ân với "những người đưa đò thầm lặng".

Cùng với đó, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng là dịp để ngành giáo dục nhìn lại và đánh giá hiệu quả của các hoạt động giáo dục và lập phương hướng cho các cải tiến trong dạy và học.

Mỗi dịp 20/11 hàng năm, nhiều hoạt động kỉ niệm, tôn vinh, tri ân các thầy cô giáo được tổ chức trang trọng, ý nghĩa trên khắp cả nước, thể hiện ý nghĩa tốt đẹp của ngày Nhà giáo Việt Nam./.

Trọng Bình