*Nhiều giải pháp phát triển rừng
Thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 85 nghìn ha/năm. Cùng đó, hỗ trợ bảo vệ trên 10 nghìn ha rừng/năm cho 4.104 hộ dân tộc thiểu số với tổng kinh phí hỗ trợ trên 132 tỷ đồng.
Cùng đó, lực lượng kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang đã áp dụng hệ thống cảnh báo sớm cháy rừng trên điện thoại thông minh của các lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, lãnh đạo các Hạt, các Trạm kiểm lâm. Nhờ đó, khi có thông tin về điểm cháy, lực lượng kiểm lâm đều được cảnh báo sớm và chỉ đạo kiểm tra xác minh, xử lý đám cháy ngay từ khi mới phát sinh. Ngành chức năng tỉnh cũng thực hiện hệ thống bảng, biển cảnh báo cấp cháy rừng tại các khu trọng điểm về cháy rừng…
Ông Nguyễn Bảo Anh, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau khi Ban Bí thư có Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017, về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong bảo vệ và phát triển rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã xây dựng, ban hành chương trình hành động.
Theo đó, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW và chương trình hành động của tỉnh. Từ tỉnh đến xã đều thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Các huyện, các xã còn nhiều rừng tự nhiên cũng thành lập các tổ đội liên ngành để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; trong đó, lực lượng kiểm lâm là lực lượng nòng cốt.
Bên cạnh đó, ngành kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, rà soát tất cả các khu rừng tự nhiên có nguy cơ bị xâm hại cao để xây dựng, thiết lập các tuyến tuần tra hạn chế tới mức tối đa tình trạng phá rừng.
Đồng thời, bố trí các trạm kiểm lâm, các chốt bảo vệ rừng đặt trong vùng lõi các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ vị phạm. Với nhiều giải pháp được thực hiện một cách đồng bộ, số vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp ở Tuyên Quang đã giảm mạnh.
* Hỗ trợ đầu tư trồng rừng
Xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản là một trong những khâu đột phát để Tuyên Quang trở thành tỉnh khá trong khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều cơ chế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng. Chẳng hạn, hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho người dân, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trồng rừng...
Đến nay, tỉnh Tuyên Quang có trên 192.100 ha rừng trồng; trong đó, rừng trồng sản xuất trên 175.600 ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của tỉnh đạt trên 880 nghìn m3/năm, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về sản lượng gỗ rừng trồng; thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp Chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC trên 35.800 ha rừng trồng, cao nhất cả nước, góp phần nâng cao giá trị gỗ rừng trồng lên 15%.
GRDP ngành lâm nghiệp tỉnh đạt trên 1.600 tỷ đồng, chiếm trên 17,5% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Tỉnh Tuyên Quang cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn sản phẩm/năm và nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang công suất là 150.000 m3 sản phẩm/năm (tương đương khoảng 600.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm). Nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hằng năm trên 1 triệu m3... Các doanh nghiệp này đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động và bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ chủ yếu trong chương trình phát triển lâm nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.
Để thực hiện chương trình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai tích hợp Quy hoạch Lâm nghiệp của tỉnh với Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030.
Cùng đó, xây dựng Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035 và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, hỗ trợ các cơ sở sản xuất cây giống chất lượng cao, thực hiện lồng ghép tốt các chương trình, chính sách của Trung ương, thực hiện khoán bảo vệ rừng...
Trong thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý bền vững diện tích và chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng.
Cùng đó, khai thác tối đa giá trị từ rừng thông qua việc phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ, trồng cây dược liệu, dịch vụ môi trường rừng; khai thác hiệu quả rừng cho phát triển du lịch sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững; trên 30% diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; năng suất gỗ rừng trồng bình quân trên 17m3/ha/năm; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân đạt 1,1 triệu m3 gỗ/năm... /.