Công nghiệp sinh học đang có sự phát triển mạnh mẽ trên thế giới
Tại Hội thảo Góp ý dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho biết, công nghiệp sinh học đang có sự phát triển mạnh mẽ trên thế giới.
Thị trường công nghiệp sinh học toàn cầu năm 2012 là gần 90 tỷ USD, đến năm 2016 đã tăng lên 139 tỷ USD và năm 2023 là hơn 1.500 tỷ USD. Dự kiến đến 2030, quy mô thị trường công nghiệp sinh học toàn cầu lên tới hơn 3.800 tỷ USD, trong đó, doanh thu lĩnh vực y tế chiếm khoảng 44%.
Mỹ là quốc gia có công nghiệp sinh học phát triển nhất thế giới. Tại nước này, hệ thống nghiên cứu khoa học đóng vai trò là nguồn động lực và phương tiện để tạo ra các sản phẩm mới. Các công ty công nghiệp sinh học là các đơn vị chuyển kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm thương mại.
Năm 2019, ở Mỹ có 2.496 công ty công nghiệp sinh học với hơn 800 nghìn người lao động, sản xuất các sản phẩm nông hóa phục vụ công nghiệp và tiêu dùng trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 2,2%. Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu có 11.343 doanh nghiệp với số lao động khoảng gần 900 nghìn người và tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 1,3%.
Công nghiệp sinh học của các nước phát triển, đại diện là Mỹ và một số nước Tây Âu, đã phát triển mạnh, toàn diện, chiếm tới 95% thị trường thế giới và đang trong giai đoạn khai thác lợi nhuận. Các nước phát triển có định hướng sở hữu các bằng sáng chế và chuyển dịch các công nghệ đã kém cạnh tranh (đòi hỏi nhiều nhân công, mặt bằng sản xuất lớn, tiêu hao năng lượng, lợi nhuận thấp) tới các nước đang phát triển và sở hữu các công nghệ tiên tiến.
Ở châu Á, công nghiệp sinh học mới hình thành và phát triển trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ 20, được các quốc gia trong khu vực đặc biệt quan tâm và đầu tư ở các mức độ khác nhau, nhằm tăng sản lượng và chất lượng các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển công nghệ sinh học y dược để điều trị bệnh cho cộng đồng dân cư. Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc (kể cả Đài Loan) và Ấn Độ là những quốc gia có đầu tư lớn và có ngành công nghiệp sinh học phát triển. Chính phủ các nước này đều có chiến lược quốc gia thúc đẩy công nghiệp sinh học phát triển, hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ sinh học.
Quá trình hình thành, phát triển công nghiệp sinh học trên thế giới, định hướng phát triển sản phẩm công nghiệp sinh học của các quốc gia đi trước là nền tảng khoa học và kinh nghiệm thực tiễn để Việt Nam xem xét phát triển công nghiệp sinh học nói chung và công nghiệp sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cần có cơ chế đặc thù nhằm thu hút đầu tư vào công nghiệp sinh học
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã xây dựng dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực nông nghiệp.
Theo dự thảo này, một trong những mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2025 - 2030 là đưa công nghiệp sinh học trong nông nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo Góp ý dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, công nghệ sinh học là một lĩnh vực sáng tạo, mang tính liên ngành và có tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, y học, môi trường, hóa chất... Lĩnh vực này đã và đang dần trở thành một trong những lĩnh vực công nghệ dẫn đầu cho quá trình chuyển đổi, phát triển xã hội theo xu hướng giảm phát thải carbon và giải quyết các thách thức quan trọng trong cuộc sống như bảo vệ sức khỏe, cung cấp thực phẩm và năng lượng, cũng như bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và được nhận định như là một trong những ngành công nghệ quan trọng nhằm sản xuất bền vững trong tương lai.
Nằm trong xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới, công nghệ sinh học cũng đang phát triển với nhiều công nghệ mới, mang tính ứng dụng cao, thân thiên với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc xây dựng một chương trình nhất quán, tập trung được thế mạnh của công nghệ mới, mang lại hiệu quả kinh tế, lợi ích cho người dân, trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật tại Việt Nam là một xu hướng tất yếu.
PGS.TS Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng khi đưa công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật, thì các sản phẩm từ công nghệ sinh học phải được thương mại hóa. Nếu các sản phẩm công nghệ sinh học không thương mại được thì sẽ không thể thu hút các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp sinh học. Chính vì vậy, cần phải có cơ chế đặc thù để khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào công nghiệp sinh học.
Trước đó, trong khuôn khổ Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect & Innovation) năm 2024, ngày 1/10, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức "Diễn đàn Công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn".
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN), trong 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, KHCN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi...
Nhờ ứng dụng KHCN, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới như: Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới...
Trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với những khó khăn thách thức từ tác động của giá vật tư đầu vào và giá lương thực, thực phẩm tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng; dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn...
Để biến thách thức thành cơ hội, ngành nông nghiệp đã đưa ra rất nhiều các định hướng chiến lược, chính sách và giải pháp để nông nghiệp vẫn là "trụ đỡ" của nền kinh tế, trong đó phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo luôn được coi là mũi nhọn, là chìa khoá thành công, tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Chia sẻ về định hướng phát triển KHCN trong ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Ninh cho biết, ngành nông nghiệp đang chuyển tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp".
Cụ thể là từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị. Bộ NN&PTNT cũng đặt mục tiêu tăng hàm lượng tri thức và KHCN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; kích hoạt các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn, chuỗi giá trị, thông minh, chia sẻ.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tập trung triển khai một số chương trình trọng điểm KHCN và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp như: Phát triển công nghệ sinh học; phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu; nghiên cứu phát triển và áp dụng công nghệ số và các giải pháp KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới./.