Thanh Hóa: Chú trọng phát triển rừng để thu nguồn lợi từ tín chỉ Carbon

Trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đang chú trọng đến việc phát triển và bảo vệ rừng nhằm bảo vệ môi trường và cải thiện sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng chiến lược để tận dụng lợi ích từ tín chỉ Carbon.
tinchicacbon2-1-1725423863.jpg
Ông Lê Văn Lại một người tiên phong trong việc trồng rừng gỗ lớn tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân.

Bảo đảm sự đa dạng sinh thái

Thanh Hóa từng được xem là địa phương có nguồn tài nguyên rừng phong phú và đa dạng với nhiều loại gỗ quý hiếm cùng hệ sinh thái đa dạng. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, cánh rừng tự nhiên đang dần bị thu hẹp và thay thế bằng rừng trồng và rừng sản xuất, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái.

Đứng trước thực trạng đáng báo động này, chính quyền tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách nhằm bảo vệ rừng, thay đổi tư duy sản xuất du canh, du cư của người dân bản địa như giao khoán rừng. Việc trồng mới và tạo kế sinh nhai từ rừng cũng được khuyến khích tại nhiều địa phương.

Nhờ vào các chính sách đúng đắn và việc tăng cường kiểm tra, quản lý của lực lượng chức năng, nhiều cánh rừng bị suy giảm đã được bảo vệ và phục hồi. Những quả đồi trọc đã dần được “khoác lên” màu xanh mới từ các tán cây keo và cây cao su.

Ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: “Sau khi nhà nước kêu gọi và khuyến khích người dân trồng rừng, vừa được hỗ trợ chăm sóc lại đem lại kinh tế cao, không lâu sau, những quả đồi trọc ở địa phương đã được người dân trồng cây hết.”

Đặc biệt, năm 2023, Thanh Hóa lần đầu tiên nhận được nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giúp tạo động lực phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng.

Ngày 28/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Thanh Hóa đã nhanh chóng đề xuất tham gia Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Tăng độ che phủ, đánh thức tiềm năng carbon

Thanh Hóa hiện có trên 647.437 ha rừng, trong đó có trên 393.361 ha rừng tự nhiên và 255.000 ha rừng trồng, với tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,75%. Chất lượng rừng ở Thanh Hóa còn khá tốt. Rừng tự nhiên chủ yếu được giao cho các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp, các đồn Biên phòng, hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp xã… để quản lý và bảo vệ.

Để thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp và nâng cao giá trị rừng trồng, tỉnh đã triển khai các đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc phá rừng gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, hạn hán, nước biển dâng cao và ô nhiễm môi trường. Do đó, việc trồng rừng gỗ lớn không chỉ có lợi về mặt kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, chống xói mòn và bạc màu đất.

tinchicacbon2-2-1725423905.jpg
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác kiểm tra tại những cánh rừng gỗ lớn.

Ông Lê Văn Lại, một người tiên phong trong việc trồng rừng gỗ lớn tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, chia sẻ: “Gia đình tôi đã chuyển đổi gần 30ha đất rừng để trồng cây gỗ lớn. Việc này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần chống xói mòn và bảo vệ môi trường”.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có 28.492,43 ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC. Thanh Hóa còn là tỉnh có diện tích tre, luồng lớn nhất cả nước với gần 72.000 ha rừng luồng, nứa, vầu; 140.000 ha rừng keo trồng và hơn 40.000 ha diện tích còn lại trồng cây bản địa như lim, lát, xoan, quế.

Tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong khai thác và chế biến gỗ rừng trồng. Công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cũng được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Hướng tới mục tiêu năm 2025, Thanh Hóa đặt kế hoạch có diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt khoảng 125 nghìn ha, với 16% diện tích gỗ rừng trồng liên kết được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Đến năm 2030, mục tiêu là ổn định diện tích này và có 20% diện tích được cấp chứng chỉ FSC.

Từ ngày 03/10/2023 đến tháng 05/2024, tổng thu từ ERPA đạt 162.679.083.245 đồng. Quỹ BV-PTR đã chi trả cho các đối tượng hưởng lợi và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân gắn bó với rừng.

Có thể nói, việc thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ - ERPA tại Thanh Hóa đã tạo ra nguồn lực quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng sống gần rừng.

Với diện tích rừng rộng lớn, chất lượng rừng tốt, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và sự tham gia tích cực vào các dự án quốc tế, Thanh Hóa đang nắm giữ tiềm năng lớn trong việc phát triển tín chỉ carbon. Điều này không chỉ giúp tỉnh tạo ra nguồn thu mới từ tín chỉ carbon mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững./.

Hà Khải