
Ngành lúa gạo Việt Nam khẳng định vị thế
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết, ngành hàng lúa gạo Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Trong đó, ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, là vùng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hạt gạo của Việt Nam đã được khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Hiện nay, trên thị trường xuất khẩu có 3 loại gạo: gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cấp cao. Trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam thì phần lớn là gạo chất lượng cao (chiếm tới 60 - 70%); gạo cao cấp có tên thương hiệu chiếm khoảng 15%; gạo thường chiếm khoảng 10 - 15%. Các thống kê cho thấy, phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam ít bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu khác.
Gạo của Việt Nam hiện có mặt ở nhiều quốc gia, nhiều thị trường có đòi hỏi khắt khe nhờ chất lượng cao. Cơ cấu thị trường gạo Việt Nam với 72% cho thị trường châu Á, 18% cho thị trường châu Phi và châu Mỹ là 4%.
Ngân hàng Nhà nước tích cực triển khai các giải pháp, hỗ trợ ngành Lúa gạo Việt Nam vươn mình
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 14 (gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu và Vĩnh Long) khẳng định, lúa gạo là mặt hàng nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng và giá trị xuất khẩu cao, mang nguồn thu ngoại tệ lớn về cho đất nước.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định nông nghiệp, nông thôn trong đó có lĩnh vực lúa gạo là lĩnh vực được ưu tiên và tập trung vốn để đầu tư.
Nhờ vậy, tín dụng đối với ngành hàng lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn có mức tăng trưởng cao, đến cuối tháng 12/2024 đạt 121.595 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 55% dư nợ tín dụng lúa, gạo toàn quốc.

Ngoài ra, ông Hà cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai và nâng quy mô Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên khoảng 100.000 tỷ đồng và mở rộng phạm vi Chương trình đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên).
Kết quả, tín dụng đối với ngành hàng lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long luôn có mức tăng trưởng cao, đến cuối tháng 12/2024 đạt 121.595 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 55% dư nợ tín dụng lúa, gạo toàn quốc. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ mục đích trồng trọt chiếm khoảng 18%, phục vụ mục đích thu mua, tiêu thụ chiếm khoảng 70%, phục vụ mục đích chế biến, bảo quản chiếm khoảng 12%.
Trong đó, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo – một trong những thế mạnh của khu vực, có mức tăng trưởng ấn tượng, luôn có tốc độ tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung và tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn của khu vực (điển hình dư nợ cuối năm 2024 đạt 32.149 tỷ đồng, tăng 19,55% so với cuối năm 2023, mức tăng trưởng tín dụng chung của khu vực 2024 là 11,3%, tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn 8,29%). Theo dõi số liệu thống kê qua các năm cho thấy, dự kiến từ nay đến cuối năm, tín dụng đối với lúa gạo sẽ tiếp tục tăng trưởng do yếu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Trần Quốc Hà cũng nêu rõ, việc đầu tư tín dụng cho lúa gạo trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, mặt hàng lúa gạo là thế mạnh của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong việc xuất khẩu, tuy nhiên bên cạnh ảnh hưởng của rủi ro do biến đối khí hậu, mặt hàng lúa gạo những tháng đầu năm 2025 đang bị áp lực giảm giá khi đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ xuất khẩu khác và nguồn cung gạo thế giới đang tăng mạnh, nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia giảm.

Thứ hai, chương trình cho vay liên kết, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg chưa phát sinh kết quả cho vay do Bộ NN&PTNT chưa công bố vùng chung, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, các chuỗi liên kết lúa gạo để các tổ chức tín dụng có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định cho vay.
Thứ ba, vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chính sách về liên kết vùng, sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết còn ít, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi. Việc khuyến khích hợp tác công - tư, chính sách phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, được triển khai song chưa đạt như kỳ vọng, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thứ tư, nhiều doanh nghiệp trong ngành có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực tài chính, năng lực quản trị còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch dẫn đến không đáp ứng đủ những điều kiện vay vốn tín dụng.
Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực, trong đó: Xác định nông nghiệp, nông thôn nói chung và lĩnh vực sản xuất, chế biến, thu mua, tiêu thụ xuất khẩu lúa gạo nói riêng vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung và mở rộng vốn để đầu tư; hướng dòng vốn tín dụng vào các chương trình tín dụng xanh, tín dụng phục vụ xuất khẩu, đẩy mạnh Chương trình cho vay liên kết, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490; Chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng triển khai công tác tín dụng, các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời, thông suốt theo phương châm không để tổ chức, cá nhân có phương án, dự án khả thi, đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được vốn vay./.