Tự lực vươn lên từ lợi thế của địa phương
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Vi Văn Chiến (thôn Thanh Tâm, xã Ea Pô, huyện Cư Jút) quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp. Nhận thấy tiềm năng từ dịch vụ rửa xe, anh đầu tư cơ sở vật chất, bắt đầu hành trình xây dựng sự nghiệp cho mình từ nguồn lực đơn sơ nhất.

Những ngày đầu khai trương, tiệm rửa xe của anh còn ít khách, khó khăn chồng chất. Thế nhưng, bằng tinh thần kiên trì, thái độ phục vụ tận tâm và sự chỉn chu trong từng công việc, anh Chiến dần gây dựng được lòng tin của khách hàng. Lượng khách ngày một đông, tiệm rửa xe ngày càng khởi sắc.
Không dừng lại ở đó, anh tận dụng mặt bằng để mở rộng kinh doanh, nhận làm đại lý phân phối sơn và cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà cửa, công trình. Sau ba năm, mô hình khởi nghiệp của anh Chiến không chỉ phát triển bền vững mà còn tạo việc làm ổn định cho bốn thanh niên địa phương và nhiều lao động thời vụ.

Nhận thấy vườn cà phê già cỗi không còn hiệu quả, chị Ka Rệp (thôn 7, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong) quyết định bước ra khỏi lối canh tác cũ, mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm trên diện tích 7 sào. Không ngừng học hỏi từ thực tế và tài liệu, chị Ka Rệp kiên trì thử nghiệm, đúc kết kinh nghiệm để nắm vững kỹ thuật. Nhờ đó, mỗi năm chị có thể nuôi từ 8 – 9 lứa tằm, mỗi lứa từ 3 – 4 hộp trứng, mang lại thu nhập từ 20 – 25 triệu đồng/lứa.

Với quy trình nuôi tằm chất lượng cao và thâm canh giống dâu mới, mô hình của chị ngày càng hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định. Cuối năm 2023, chị Ka Rệp may mắn nhận được khoản vay 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Đắk Nông. Nhờ nguồn vốn này, chị có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, tiếp tục phát triển kinh tế bền vững trên chính mảnh đất quê hương.

Với khát khao gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc, chị H’Her (bon Bu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Mil) đã chọn con đường khởi nghiệp bằng nghề dệt may, đưa sắc màu thổ cẩm M’nông vươn xa. Sau khi hoàn thành khóa học may tại địa phương, chị quyết định gắn bó với trang phục truyền thống, kết hợp giữa họa tiết thổ cẩm đặc trưng và phong cách hiện đại. Tận dụng kỹ năng may đo cùng sự sáng tạo, chị thiết kế những mẫu váy áo cách tân vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa tiện dụng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Không dừng lại ở việc may trang phục, tiệm may của chị H’Her còn cung cấp vải thổ cẩm, sản xuất các phụ kiện như túi, ví, vật dụng trang trí. Đặc biệt, chị còn tập hợp các nghệ nhân, thợ may trẻ tại địa phương cùng chung tay gìn giữ nghề dệt, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người. Nhờ mẫu mã đa dạng, đường nét tinh tế, sản phẩm của chị ngày càng được khách hàng đón nhận và yêu thích.
“Qua từng đường kim, mũi chỉ, tôi muốn lan tỏa vẻ đẹp của thổ cẩm M’nông, để mọi người, nhất là thế hệ trẻ, thêm yêu và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Mỗi sản phẩm được khách hàng trân quý chính là động lực để tôi tiếp tục sáng tạo, mang đến những thiết kế độc đáo, hiện đại mà vẫn đậm hồn cốt dân tộc.” - chị H’Her chia sẻ.
Vai trò không thể thiếu của công tác Đoàn
Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều chương trình thiết thực nhằm hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) khởi nghiệp và lập nghiệp. Nhiều hoạt động quy mô lớn đã được tổ chức, tiêu biểu như các cuộc thi khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, ngày hội thanh niên khởi nghiệp, cùng các chương trình tham quan, tập huấn, diễn đàn khởi nghiệp… giúp các bạn trẻ có thêm kiến thức, kỹ năng và cơ hội kết nối.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế, Đoàn, Hội các cấp còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, gắn kết thanh niên DTTS. Đây là cách làm hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng như khuyến khích thanh trên địa bàn tỉnh nỗ lực hơn để lập nghiệp và làm giàu.

Tỉnh đoàn đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc kết nối nguồn vốn vay, giúp thanh niên DTTS có điều kiện phát triển kinh tế. Đồng thời, tổ chức Đoàn cũng tạo cơ hội để các bạn trẻ tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế, tiếp cận khoa học công nghệ và được giới thiệu việc làm.
Anh Trần Việt Anh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Đắk Nông cho biết: “Trong những năm qua, tổ chức Đoàn, Hội đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS), trên hành trình khởi nghiệp, lập nghiệp.”
Trong 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn tỉnh Đắk Nông đã triển khai hàng loạt chương trình thiết thực nhằm hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) và thanh niên tín đồ tôn giáo trong việc lập thân, lập nghiệp. Với tổng giá trị hoạt động gần 1 tỷ đồng, các chương trình này đã thu hút 37.000 lượt thanh niên tham gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tạo động lực phát triển cho thế hệ trẻ địa phương.

Đến nay, đã có 75 hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên DTTS, 56 chương trình dành cho thanh niên yếu thế, 119 hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm. Ngoài ra, tổ chức Đoàn còn triển khai 15 đợt tư vấn về sức khỏe, pháp luật, kỹ năng sống, cùng 22 sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao dành cho thanh niên công nhân.
Nhờ nỗ lực của Tỉnh đoàn đóng góp qua những phong trào thiết thực và mô hình khởi nghiệp sáng tạo, đời sống thanh niên DTTS từng bước được cải thiện. Thanh niên Đắk Nông ngày càng tự tin, vững bước hơn trên con đường lập nghiệp, làm giàu và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.