Toàn huyện Lý Sơn có trên 300ha diện tích trồng hành tỏi, đây là loại cây trồng chủ lực của người dân. Hành tỏi được ví như "vàng trắng" của nông dân trên huyện đảo này. Dù mang lại thu nhập chính cho cư dân nhưng những loại cây này lại tiêu tốn rất nhiều nước và đòi hỏi phải tưới thường xuyên để đảm bảo phát triển ổn định, năng suất cao.

Nguồn nước ngọt ngày càng cạn kiệt khiến 22.000 dân trên đảo lo lắng. Bởi có năm, người trồng hành, tỏi trên hòn đảo này mất trắng vì thiếu nước tưới. Theo chính quyền địa phương, 50% lượng nước ngầm trên đảo đã bị nhiễm mặn.
Mỗi năm, người dân Lý Sơn trồng 1 vụ tỏi, 3 vụ hành tím. Vụ hành đầu tiên trong năm được xuống giống từ giữa tháng 4. Đây cũng là vụ hành chính trong năm và nằm trong khoảng thời gian nắng nóng gay gắt nhất và cần phải tưới nước thường xuyên. Tùy thời tiết, ruộng hành được tưới 1-2 lần mỗi ngày.
Trong khi đó, đảo Lý Sơn có thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước ngọt không dồi dào như những nơi khác. Trước đây, để cung cấp nước cho cây trồng, người dân Lý Sơn nhờ vào nước trời hay phải dùng ống nhựa dây bơm từ giếng lên để tưới. Khi tưới nước ít nhất cần 2 người, một người đỡ dây, một người điều chỉnh ống tưới. Nếu giếng xa phải cần 3-4 người đỡ dây nên tốn kém về nhân công, tiền của và cả tài nguyên nước.
Đảo Lý Sơn có tới hơn 2.000 giếng khoan và giếng đào. Việc khai thác nước ngầm quá mức khiến mạch nước ngầm suy kiệt. Trước thực trạng này, các cấp chính quyền địa phương đã vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước trong sinh hoạt cũng như tưới tiêu. Đặc biệt, khuyến khích áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp.
Sau nhiều năm nỗ lực trong việc tuyên truyền, hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ sử dụng béc phun tiết kiệm nước vào trong sản xuất nông nghiệp, đến thời điểm này, hệ thống béc phun tiết kiệm nước đã được nông dân huyện đảo Lý Sơn sử dụng đại trà, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chống hạn.

Chuyên trồng và sản xuất các mặt hàng từ tỏi, năm 2022, ông Nguyễn Văn Nhật (thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) bắt đầu bén duyên với công nghệ tưới tiết kiệm.
“Trung bình cứ mỗi sào 500m2 thì sử dụng 50 béc phun. Nếu như trước kia phải có người đỡ ống dây, người điều chỉnh hướng tưới thì nay dùng béc phun khỏe hơn rất nhiều, lượng nước phân bố đều và tiết kiệm hơn”- ông Nhật chia sẻ.
Bà Trương Thị Hạnh (thôn Đông An Hải) chia sẻ: “Trên cánh đồng có nhiều hộ xuống giống cùng lúc nên chúng tôi thỏa ước với nhau, tuần tự nhà này tưới xong thì đến nhà kia. Nhà nào xong thì đóng van lại, để nước sang đường ống ruộng nhà khác. Giờ tưới bằng hệ thống phun tiết kiệm nên tiết giảm đến 2/3 lượng nước so với trước kia”.
Vụ tỏi Đông Xuân 2024-2025, huyện Lý Sơn xuống giống gieo trồng trên 320ha. Đây là vụ tỏi được nông dân huyện đảo Lý Sơn đặt nhiều kỳ vọng cho việc sản suất nông nghiệp của cả năm. Bởi nếu vụ tỏi này được mùa, được giá thì có thể bằng hai, ba vụ hành trong năm và mang lại lợi nhuận gấp đôi.

Thông tin từ UBND huyện Lý Sơn cho biết, những năm gần đây huyện đã vận động bà con nhân dân sản xuất tỏi theo hướng hữu cơ, nông sản sạch, nhằm nâng cao giá trị cho cây tỏi trên địa bàn huyện. Một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đã có ý thức, có chuỗi liên kết, kết hợp với người dân để sản xuất mô hình tỏi sạch, trên cơ sở đó vừa để trải nghiệm, vừa nâng cao giá trị, cũng đẻ có cơ sở đánh giá, nhân rộng, tuyên truyền cho người dân sản xuất tỏi trên địa bàn huyện Lý Sơn.
Đặc biệt, nhờ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng trên 100% diện tích đất nông nghiệp (hơn 300ha). Công nghệ tưới tiết kiệm giúp vùng tỏi trên đảo phát triển ổn định, cho năng suất cao, đồng thời giảm được chi phí nhân công và tiết kiệm nguồn nước./.