Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới. Đây được coi là bước khởi đầu cho tiềm năng bán tín chỉ carbon trong lâm nghiệp nói riêng và của của ngành nông nghiệp nói chung.
Mục tiêu của thị trường tín chỉ carbon là tạo ra kênh tài chính mới bổ sung cho việc thực hiện cam kết giảm phát thải và giúp doanh nghiệp có lợi thế khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu. Do đó, các chuyên gia cho rằng việc sớm hình thành thị trường tín chỉ carbon sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều lợi thế.
Ngành nông nghiệp có lợi thế lớn khi tham gia vào thị trường carbon
Giáo sư, tiến sỹ Võ Xuân Vinh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá việc xây dựng, triển khai thị trường carbon mang lại nhiều lợi ích và nguồn thu cho Việt Nam. Đặc biệt, ngành nông nghiệp nước ta sẽ có lợi thế lớn khi tham gia vào thị trường carbon trong và ngoài nước.
“Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp đi đầu trong bán tín chỉ carbon. Năm 2023 là một bước tiến quan trọng khi Việt Nam lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng)…,” Giáo sư Võ Xuân Vinh cho hay.
Từ khởi đầu trên, ông Vinh hy vọng Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào thị trường toàn cầu hơn nữa, đặt mục tiêu trong năm nay và năm sau bán thêm 5 triệu tín chỉ, nâng tổng số lượng carbon bán ra lên 25 triệu tín chỉ. Dự kiến, dịch vụ hấp thu và lưu giữ carbon rừng sẽ là một trong những lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Không chỉ lâm nghiệp, một trong những ngành đang rất được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích kinh tế từ việc bán tín chỉ carbon là trồng lúa nước, đặc biệt là việc thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Thế nhưng, để có thể tận dụng được lợi ích kinh tế khi bán tín chỉ carbon từ trồng lúa nước phát thải thấp đang là một “bài toán khó”.
Tiến sỹ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn cho biết đến thời điểm này trên thế giới chưa có quốc gia nào thương mại được tín chỉ carbon lúa và chưa quốc gia nào xác định được giá 1 tín chỉ carbon trồng lúa là bao nhiêu USD.
Tiến sỹ Trần Minh Hải cho hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp cùng các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các cơ quan của Việt Nam để xác định được chí phí hình thành nên 1 tín chỉ carbon trồng lúa nhưng vẫn chưa xác định được chính xác giá 1 tín chỉ carbon. Về nguyên tắc, giá 1 tín chỉ carbon sẽ được xác định trên chi phí đầu tư để tạo ra tín chỉ carbon đó.
“Đối với tín chỉ carbon trong trồng lúa, Việt Nam cần một khung pháp lý rõ ràng và phù hợp. Hiện nay, trên thế giới chưa có quốc gia nào thương mại hóa tín chỉ carbon cho sản xuất lúa gạo, mà chỉ có các dự án thí điểm,” Tiến sỹ Trần Minh Hải lưu ý.
Bên cạnh những thách thức lớn về khung pháp lý và chi phí để xác định giá thành của một tín chỉ carbon, các chuyên gia còn cho rằng cần thiết để sớm có quy định về cơ chế chia sẻ lợi nhuận khi thương mại hóa được tín chỉ carbon từ lúa gạo. Khung pháp lý cần đưa ra tỷ lệ ưu tiên cho những người tham gia vào quá trình giảm phát thải trong sản xuất lúa nhằm khuyến khích và đảm bảo sự tham gia bền vững của cộng đồng và doanh nghiệp.
Có thị trường tín chỉ carbon tạo ra kênh tài chính mới
Tiến sỹ Trần Đại Nghĩa, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhấn mạnh mục tiêu của thị trường tín chỉ carbon là tạo ra kênh tài chính mới bổ sung để thực hiện cam kết giảm phát thải chứ không phải là một ngành kinh tế mới, do đó nếu đi theo hướng đầu tư, môi giới sẽ là sai hướng.
Chỉ ra giá trị thực của thị trường tín chỉ carbon, Tiến sỹ Trần Đại Nghĩa phân tích: "Nếu sản xuất theo hướng phát thải thấp, có công nghệ 'theo dõi dấu chân carbon', Việt Nam có thể công bố điều này trong sản phẩm. Khi Liên minh châu Âu (EU) áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM, cơ chế áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu), sản phẩm của chúng ta có thể chứng minh là đã làm đúng quy trình carbon thấp, không lo về việc bị đánh thuế bổ sung."
Việt Nam là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Dù hiện tại phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không thuộc các nhóm này nhưng phạm vi có thể sẽ mở rộng và bao gồm nhiều sản phẩm hơn trong tương lai. Mặc dù nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu, CBAM sẽ tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt nếu cơ chế này được mở rộng sang các lĩnh vực khác trong tương lai.
Đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển bền vững, Công Ty TNHH Intertek Việt Nam nhận định xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp thì giá trị xuất khẩu giảm đi không nhỏ, sẽ gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.
Theo ông Long, Việt Nam cần sớm hình thành thị trường tín chỉ carbon vì khi có thị trường này, các doanh nghiệp đã trả phí carbon tại Việt Nam nếu xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ được khấu trừ. Nếu thị trường tín chỉ carbon vận hành muộn, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt.
Bên cạnh các vấn đề về khung pháp lý và cách vận hành thị trường tín chỉ carbon, nhân lực trong ngành này cũng sẽ là vấn đề cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ. Tiến sỹ Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm nông nghiệp vi sinh VOS Harvest cho rằng dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm hình thành một sàn giao dịch tín chỉ carbon. Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là đào tạo một lực lượng môi giới chuyên nghiệp để tham gia thị trường mua bán carbon.
Tiến sỹ Lê Hoàng Thế gợi ý cho các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường tín chỉ carbon cần chuẩn bị nguồn nhân lực có hiểu biết, tri thức để kiểm kê, kê khai và những vấn đề liên quan đến carbon./.