Quan điểm mới "cởi trói" cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng

Tư duy soạn thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đánh giá là mang tính "đột phá" so với Luật số 69/2014/QH13 trước đây. Theo đó, nhiều quan điểm mới mang tính “cởi trói” cho doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước, được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy hiệu quả đầu tư và tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp Nhà nước phát triển.
luat-quan-lya-doanh-nghiep-nha-nuoc-1-1725175542.jpg
Tư duy soạn tho ảLuật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đánh giá là mang tính "đột phá" so với Luật số 69/2014/QH13 trước đây.(Ảnh minh họa)

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, việc xây dựng dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) là rất cần thiết. Dự kiến Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.

Theo đó, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo) do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Điểm đáng chú ý tại Dự thảo là thực hiện nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp quản lý pháp nhân doanh nghiệp, Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn đầu tư tại doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp; phân công rõ, phân cấp mạnh, cụ thể trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp...

Dự thảo cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp bảo đảm tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các chủ thể.

luat-quan-lya-doanh-nghiep-nha-nuoc-2-1725175567.jpg
Hiện nay, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, đang gấp rút thực hiện lấy ý kiến, bổ sung, hoàn thiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất.(Ảnh minh họa)

Về giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Dự thảo nêu rõ, công tác kiểm tra, thanh tra được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện theo kế hoạch, đột xuất hoặc chuyên đề. Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, thanh tra cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư đối với hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và hoạt động đầu tư vốn của doanh nghiệp, tổ chức sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện giám sát, kiểm tra tình hình quản lý, đầu tư vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.

Được đánh giá là có nhiều nội dung mang tính "đột phá" so với Luật số 69/2014/QH13 trước đây, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo vẫn còn một số nội dung quy định cần tiếp tục xem xét làm rõ hơn.

Qua tiếp cận dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các chuyên gia đánh giá cao quan điểm xây dựng luật đã xác lập nguyên tắc: Nhà nước được xác định là một nhà đầu tư vốn đặc biệt tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp.

Nhà nước thực hiện quản lý dòng vốn đầu tư thông qua cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp để đảm bảo các quyền của nhà đầu tư vốn, góp vốn vào doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, đang gấp rút thực hiện lấy ý kiến, bổ sung, hoàn thiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

luat-quan-lya-doanh-nghiep-nha-nuoc-3-1725175532.jpg
Đây là dự án Luật quan trọng tạo đà cho doanh nghiệp Nhà nước phát triển trong thời gian tới.(Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị, xem xét quy định rõ trong Dự thảo các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp.

Trong đó, cần tập trung quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ, cơ chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan, với doanh nghiệp, hội đồng thành viên, người đại diện vốn...; quy định rõ quyền hạn, chức năng quản lý vốn, tài sản của Ủy ban tại doanh nghiệp về việc phê duyệt chủ trương đầu tư vốn, tài sản; phê duyệt dự án đầu tư, chủ trương vay vốn, thế chấp tài sản đặc thù…; quy định về cơ chế tài chính đặc thù, nguồn hoạt động của Ủy ban…

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đây là dự án Luật quan trọng tạo đà cho doanh nghiệp Nhà nước phát triển trong thời gian tới.

"Doanh nghiệp Nhà nước phải tạo đột phá phát triển, như cánh chim đầu đàn trong những lĩnh vực khó, lĩnh vực sáng tạo. Theo đó, quy định pháp luật phải tạo doanh nghiệp tốt nhất cho lãnh đạo doanh nghiệp có vốn Nhà nước thúc đẩy quá trình phát triển, tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm phát triển kinh tế. Do đó, chủ trương là tăng cường tính chủ động linh hoạt, tăng phân cấp, và 3 là tính đến hiệu quả cuối cùng để đảm bảo sự năng động của doanh nghiệp" - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ./.

Bình Châu