Nắm giữ 60% nguồn lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp Nhà nước mang lại lợi nhuận như thế nào?

Ước tính cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng và tổng lãi phát sinh trước thuế ước đạt hơn 117,3 nghìn tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 9% so với kế hoạch đề ra.
ong-trung-1695700687.jpg
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đây là số liệu được ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại tọa đàm “Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 26/9.

Ông Nguyễn Đức Trung cho hay, tính đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước (DNNN) nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (chưa đến 0,1% số doanh nghiệp hoạt động) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường).

Về hoạt động kinh doanh, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thông tin, tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước đạt gần 690 nghìn tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế là 67,4 nghìn tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023. Tổng lỗ phát sinh của cả khu vực DNNN là 33,6 nghìn tỷ đồng (chủ yếu do ảnh hưởng của kết quả hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam). Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước là hơn 67,2 nghìn tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm 2023.

Ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế của khu vực DNNN năm 2023 ước đạt hơn 117,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước của DNNN cả năm 2023 ước đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch. Ước tính năm 2023 các doanh nghiệp phát sinh lỗ khoảng gần 41,7 nghìn tỷ đồng.

"Có thể thấy trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn chung do tác động của xung đột Nga - Ukraine và các bất ổn của kinh tế thế giới, các DNNN cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô", ông Trung đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trung cho rằng, hoạt động của các DNNN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thứ nhất là hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng; một số dự án có lỗ lũy kế lớn.

Thứ hai, DNNN quy mô lớn chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực.

"Mặc dù nắm giữ trên 60% nguồn lực của nền kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty hầu như chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN còn hạn chế", ông Trung nói.

Thứ ba, một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN chưa được thúc đẩy. Tiến độ phê duyệt Đề án tái cơ cấu, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025 còn chậm.

Những hạn chế, tồn tại trên ngoài nguyên nhân khách quan từ tình tình hình căng thẳng trong các quan hệ kinh tế, chính trị trên thế giới và khu vực ảnh hưởng đến kinh tế trong nước thì cũng có những nguyên nhân chủ quan từ hệ thống pháp luật về DNNN vẫn còn nhiều bất cập.

Cụ thể, các quy định pháp luật liên quan về quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn và tài sản, đất đai, đầu tư… chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành DNNN trong kinh tế thị trường; quy trình thủ tục báo cáo, phê duyệt nhiều tầng nấc, chưa được phân cấp triệt để. Sự chậm trễ trong việc ra quyết định làm mất đi cơ hội, giảm hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của DNNN.

Đồng thời, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác...

Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty cũng chưa tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế. Các doanh nghiệp này chưa thật sự quyết tâm đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực mới, có tác động lớn và lan tỏa tới phát triển kinh tế-xã hội. Năng lực nghiên cứu, đầu tư vào các lĩnh vực mới còn thiếu, kinh nghiệm quản lý đầu tư xây dựng dự án, tổ chức sản xuất, khai thác, vận hành dự án còn hạn chế, thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật có trình độ đáp ứng yêu cầu…

Ngoài ra, hệ thống quản lý, giám sát DNNN, trong đó có DNNN quy mô lớn không theo kịp với yêu cầu thực tiễn, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả. Công tác công khai, minh bạch thông tin còn hạn chế.

Hoàng Hà