Nhiều thách thức trong chuyển đổi số doanh nghiệp nhà nước

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh đã mang đến cơ hội phát triển của nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không là ngoại lệ, tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp đã thành công trong chuyển đổi số (CĐS) ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế của cả nước.

Trong bối cảnh mới, chuyển đổi số không chỉ còn là xu hướng tất yếu mà còn là vấn đề "sống còn" đối với mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vốn có lợi thế về bề dày lịch sử, mức độ hiện diện trên thị trường cao, cũng như có định vị ngành nghề ổn định và sự tích luỹ lâu dài để phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, mặc dù được xác định là yếu tố "sống còn", các DNNN (có vốn nhà nước) vẫn còn gặp nhiều thách thức trong tiến trình chuyển đổi số của mình.

Chia sẻ tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức", ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho biết, chuyển đổi số khu vực này đang gặp rất nhiều khó khăn và phải đối mặt với 6 thách thức lớn.

1e7bc5f727eff4b1adfe-1690361463.jpg
Hội thảo Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức. Ảnh: Hương Lan

Thứ nhất, DNNN (có vốn nhà nước), có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ, Đây là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để chuyển đổi số, bởi không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được, và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay, và sự chuyển đổi cũng chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để chuyển đổi thành công.

Thứ hai, bởi sự chuyển đổi mô hình tổ chức khó khăn nên chính quá trình này tạo ra nhiều điểm khó khăn trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh. Điều đó đặt ra những thách thức lớn cho việc chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động để thích ứng hiệu quả với kỷ nguyên số với một đặc trưng quan trọng là sự chuyển đổi không ngừng và linh hoạt.

Thứ ba, việc chuyển đổi cách vận hành cũng làm phát sinh những khoản đầu tư lớn và với đặc điểm về sự chặt chẽ trong việc kiểm soát quá trình đầu tư dẫn tới hệ quả là thời gian ra quyết định chậm, thủ tục nhiều nên việc xây dựng các sáng kiến số theo mô hình phát triển nhanh “Agile” hoặc xây dựng những hệ sinh thái đầu tư mới để thử nghiệm (Ecosystem) trở nên khó khăn do chưa có hành lang pháp lý cho quá trình này.

Thứ tư, chuyển đổi số cũng đòi hỏi một cái nhìn toàn cảnh, một cách làm tổng thể, và chỉ thành công, hiệu quả với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, đây là một trở ngại lớn trong cơ chế ra quyết định tại các doanh nghiệp nhà nước (có vốn nhà nước). Để đảm bảo sự chắc chắn, hầu hết những giải pháp, sáng kiến số hiện nay đang tập trung vào các giải pháp theo mô hình phân tích chi tiết ưu, nhược điểm, qua đó xây dựng thiết kế tổng thể và thiết kế chi tiết theo mô hình “thác nước – waterfall”. Do vậy, thay vì tạo ra một tác động tổng thể, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhà nước (có vốn nhà nước) hiện nay vẫn đang tập trung nhiều vào quá trình số hóa vận hành và xây dựng một số giải pháp cụ thể thay vì tổng thể.

Thứ năm, với quy mô rất lớn, mô hình phức hợp và định hướng phát triển chịu sự chỉ đạo của các doanh nghiệp nhà nước (có vốn nhà nước), việc xây dựng các mô hình kiến trúc cho phù hợp cũng như điều chỉnh hàng năm cần có một chiến lược tích hợp kinh doanh- chuyển đổi số được thực hiện ngay từ giai đoạn bản lề trong thời gian đầu của việc ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong doanh nghiệp để dẫn hướng tiến trình. Tuy nhiên, hiện nay, đa phần mới chỉ dừng ở việc hoạch định, vấn đề tổ chức triển khai, đặc biệt xuống các cấp thấp của tổ chức, đang là một điểm nghẽn lớn. Do vậy, chưa thực sự tạo ra được lợi thế cạnh tranh động cho doanh nghiệp nhà nước thông qua tiến trình chuyển đổi số.

Thứ sáu, tiến trình chuyển đổi số cũng gặp những trở ngại trong hành lang pháp lý về quy trình, quy định cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng những mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ, mô hình dữ liệu, mô hình vận hành,… Chính việc thiếu kiến trúc này dẫn đến việc chuyển đổi số không phát huy tối đa những lợi thế trong quá trình ứng dụng vào vận hành thực tế để chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện doanh nghiệp sang bản chất kinh doanh mới – trở thành một doanh nghiệp số.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp/tổ chức. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy, nó đòi hỏi các doanh nghiệp/tổ chức phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của tiến trình chuyển đổi số để định hình nên chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp riêng cho doanh nghiệp/tổ chức của mình.

Dữ liệu là nền tảng của tiến trình chuyển đổi số, tính nền tảng này được thể hiện thông qua việc vốn hóa dữ liệu trở thành một “hệ thống ngôn ngữ giao tiếp dữ liệu chung”; cho phép tạo ra sự đột phá (disruption) năng suất nhờ đột phá về giá trị (default value) bởi có được một tiến trình ra quyết định chung dựa trên dữ liệu cho phép khớp nối các giao dịch một cách hiệu quả, tối ưu hóa các nguồn lực nhờ phối hợp hiệu quả các bên liên quan.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang khuyến nghị: Với cách thức và những hệ quả có thể đem lại cho doanh nghiệp, việc xây dựng kiến trúc dữ liệu nền tảng theo chiến lược nền tảng sẽ cho phép DNNN có thể giải quyết được những điểm nghẽn hiện tại trong tiến trình chuyển đổi số; gia tăng hiệu quả của các dự án, hoạt động chuyển đổi số đã và đang thực hiện; tăng tốc và hiệu chỉnh, điều chỉnh hiệu quả các kế hoạch chuyển đổi số; và có được một phương tiện làm sở cứ cho việc ra quyết định về chuyển đổi số hữu hiệu.

Đông Nghi