Giá tăng vọt mùa nắng nóng, thủ phủ dừa Bến Tre đẩy mạnh canh tác hữu cơ đón sóng xuất khẩu

Mùa nắng nóng giá dừa tưới tăng vọt, thủ phủ dừa Bến Tre còn đẩy mạnh sang canh tác dừa theo hướng hữu cơ chuẩn VietGAP nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, mở rộng thị trường xuất khẩu.
dua-ben-tre-01-1715648460.jpg
Do ảnh hưởng của hạn mặn, nắng nóng kéo dài nên giá dừa tươi (dừa xiêm xanh) uống nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang sốt giá. (Ảnh minh họa)

Giá dừa tăng cao, thương lái săn lùng

Thời gian qua hạn mặn, nắng nóng kéo dài nên giá dừa tươi (dừa xiêm xanh) uống nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang hút hàng, sốt giá và được thương lái săn lùng thu mua.

Do đó, nhà vườn ở “thủ phủ” dừa Bến Tre rất phấn khởi vì giá dừa tươi tăng từng ngày, khiến thu nhập của người trồng dừa tăng đáng kể trong thời điểm hiện nay.

Bà Phạm Thị Hồng Thanh, xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, canh tác 5.000m2 dừa xiêm xanh, cho hay hiện dừa xiêm xanh được các thương lái đến tận vườn của nông dân thu mua với giá từ 110.000-130.000 đồng/chục (12 trái), tùy theo chất lượng và tỷ lệ phân loại, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

dua-ben-tre-02-1715648503.jpg
Tỉnh Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi giá trị dừa, phát triển sản xuất dừa hữu cơ. (Ảnh minh họa)

Các nhà vườn trồng dừa xiêm xanh chia sẻ hiện nay, sản lượng dừa xiêm xanh cung cấp cho thị trường khá hạn chế, chỉ bằng phân nửa so với mùa thuận (từ tháng 8 đến sau Tết). Đặc biệt, những vườn dừa càng chất lượng thì càng có giá, nhất là khi địa phương đang đẩy mạnh xuất khẩu trái dừa tươi nguyên trái.

Theo các thương lái, nguyên nhân chính dẫn đến việc dừa xiêm xanh tăng giá là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ dừa tươi uống nước trên thị trường tăng cao dẫn đến dừa hút hàng. Dừa xiêm xanh là một trong loại dừa tươi uống nước được thị trường trong cả nước rất ưa chuộng, bởi chất lượng cao của trái dừa.

Trồng dừa hữu cơ đón sóng xuất khẩu

Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang mở rộng diện tích trồng dừa xiêm xanh do nhanh cho trái, năng suất cao và chất lượng ngon được thị trường ưa chuộng. Nhiều nông dân trồng dừa còn đang tập trung diện tích sản xuất truyền thống sang canh tác dừa theo hướng hữu cơ chuẩn VietGAP nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Do vậy, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn, chuyển giao cho nông dân địa phương kỹ thuật canh tác dừa xiêm xanh, nhằm nâng cao năng suất cũng như sản lượng dừa trong các tháng nắng nóng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết để giá dừa bền vững, doanh nghiệp ngành dừa cần tăng cường chế biến, xuất khẩu để tạo ra những mặt hàng có giá trị cao; đồng thời xây dựng mã vùng trồng cho dừa, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và sản xuất hữu cơ.

Tại Bến Tre, nhiều mô hình liên kết, tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, sản xuất theo hướng GAP, hữu cơ có liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường đã được hình thành. Đặc biệt, chuỗi sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, khoảng 30% sản phẩm dừa của tỉnh được chế biến sâu để xuất khẩu.

dua-ben-tre-03-1715648533.jpg
Tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025, duy trì và phát triển được 20.000ha dừa hữu cơ, 2.000ha dừa tươi được cấp mã số vùng trồng. (Ảnh minh họa)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, hiện địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi giá trị dừa, phát triển sản xuất dừa hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng dừa tươi để đáp ứng nhu cầu tối đa nguyên liệu dừa chất lượng phục vụ cho chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh duy trì và phát triển được 20.000ha dừa hữu cơ, 2.000ha dừa tươi được cấp mã số vùng trồng.

Đến nay, diện tích trồng dừa của tỉnh Bến Tre khoảng 79.000ha, với sản lượng gần 700.000 tấn; trong đó, có khoảng 10% là dừa tươi uống nước, chủ yếu là dừa xiêm xanh.

Dừa tươi uống nước của Bến Tre thời gian qua chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường nội địa, các thương lái đến các nhà vườn mua dừa của nông dân đem đi tiêu thụ tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước. Gần đây, trái dừa tươi của tỉnh Bến Tre đã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài./.

Theo ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, trước đây cây dừa không được công nhận là cây công nghiệp, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang có đề án để phát triển các loại cây công nghiệp, trong đó có cây dừa Bến Tre và các tỉnh khác.

Theo ông Tam, căn cứ đề án trên, Bến Tre sẽ xây dựng đề án phát triển cây dừa Bến Tre theo hướng cây công nghiệp. Hiện nay, Tỉnh uỷ Bến Tre đã ban hành Nghị quyết 07 phát triển vùng sản xuất tập trung, trong đó có các chuỗi về cây ăn trái đặc sản của địa phương.

“Cây dừa ở Bến Tre phát triển khá thành công, hiện nay đã xuất khẩu dừa tươi và các mặt hàng chế biến loại sản phẩm từ loại cây này. Khi được công nhận là cây công nghiệp quốc gia, tỉnh Bến Tre sẽ xây dựng đề án để tổ chức phát triển loại cây này”, ông Tam thông tin.

Bình Nguyên