Chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng

Thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.

cham-lo-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-3-1722041981.jpg
Trong những năm qua, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. (Ảnh tư liệu)

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được xã hội đồng tình hưởng ứng

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho biết, quan điểm, mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước đặt chính sách xã hội ngang tầm với chính sách kinh tế, tăng trưởng kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Trong những năm qua, cùng với nhiều thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.

Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), Chủ tịch nước đã tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77, ngày 1/7/2024 quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ vừa qua, được dư luận xã hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ.

Trong những năm qua, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: “10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời”.

cham-lo-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-4-1722041960.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quà tặng người có công với cách mạng. (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng cho biết, các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4.000 công trình ghi công liệt sĩ. Tiến hành chuẩn hoá thông tin bia mộ liệt sĩ, đến nay cả nước tuyệt đại bộ phận đã thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định.

Về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, từ những kết quả nổi bật trong giai đoạn 2013-2020, với hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương bảo đảm, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 393.707 hộ người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Đồng thời đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025 với dự kiến hơn 162.000 hộ, kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Từ năm 2013 đến 2023, cả nước vận động được gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với hơn 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Tiếp tục hoàn thiện chính sách chăm lo người có công với cách mạng

Việc quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ thể hiện nghĩa tình, sự tri ân sâu nặng đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại mà còn là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau đối với những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) chia sẻ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng từng bước được hoàn thiện. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công, đối tượng chính sách người có công với cách mạng được mở rộng, thể hiện rõ tính công bằng, tôn vinh sự cống hiến và tiến bộ xã hội.

cham-lo-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-1-1722042106.jpg
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng quà đoàn đại biểu người có công với cách mạng của tỉnh Nam Định. (Ảnh tư liệu)

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và thân nhân người có công ngày càng đi vào chiều sâu, giải quyết các vấn đề khó, cốt lõi, nhất là những vấn đề còn tồn đọng qua nhiều năm, nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ.

Với phương châm “Không để người có công không được xem xét công nhận và thụ hưởng chính sách”, ngành lao động-thương binh và xã hội đã đẩy nhanh tiến độ xem xét xác nhận người có công với cách mạng, đồng thời chú trọng việc giải quyết những hồ sơ tồn đọng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nhằm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách.

cham-lo-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-2-1722042135.jpg
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.(Ảnh: VGP)

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, đối với việc xem xét, công nhận người có công với cách mạng, qua 6 năm triển khai đã giải quyết được căn bản hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng, trong đó trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây là việc làm vô cùng khó khăn do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất...

Có thể nói, những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, phần nào xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện trách nhiệm đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc./.

Bình Châu