Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP đủ tiêu chuẩn tiêu thụ tại siêu thị và xuất khẩu

Bắc Giang hiện có 290 sản phẩm OCOP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong nước. Đặc biệt, có vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.
photo1529402291398-1-1721739262.jpg
Vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao. Ảnh minh họa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, địa phương hiện có 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, tăng 85 sản phẩm so với năm 2022, vượt 60 sản phẩm so với kế hoạch. Trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 24 sản phẩm 4 sao, 263 sản phẩm 3 sao (trong đó có 3 sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch).

Cụ thể, 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao bao gồm: Mỳ gạo Lục Ngạn (HTX Dịch vụ nông nghiệp Hằng Hiếu, thị trấn Chũ, Lục Ngạn); mỳ ngũ sắc và mỳ gạo Chũ Xuân Trường (HTX Mỳ gạo Chũ Xuân Trường, xã Nam Dương, Lục Ngạn); chả gà, giò gà, gà đồi, xúc xích gà (HTX nông nghiệp Xanh Yên Thế, thị trấn Phồn Xương, Yên Thế); vải sớm Phúc Hòa (HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa, Tân Yên); nem nướng Liên Chung (HTX nem nướng Liên Chung, xã Liên Chung, Tân Yên);....

Ngoài ra, có 263 sản phẩm đạt OCOP 3 sao của các địa phương trong tỉnh cũng đủ tiêu chuẩn tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong nước gồm: Mỳ gạo Chũ Hiền Phước; Mỳ Trại Lâm; Rượu men lá Kiên Thành; Mỳ Chũ Xuân Trường; Mỳ Hạnh Thái...

images-1721739261.jfif
Bắc Giang được biết đến với đặc sản mỳ chũ. Ảnh minh họa

Hiện nay, các sản phẩm OCOP của địa phương đang được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử, qua đó người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm nhanh chóng, vừa tiết kiệm chi phí cũng như thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương, tạo tính liên kết phát triển sản phẩm OCOP với các tỉnh, thành phố trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc đa dạng sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của địa phương, đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi trong tỉnh.

Bắc Giang là địa phương nằm trong top đầu cả nước về số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển chương trình OCOP, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND triển khai Chương trình OCOP năm 2024. Theo đó, năm 2024, UBND tỉnh dự kiến phân bổ khoảng 20,9 tỷ đồng nhằm thực hiện các nội dung Kế hoạch. Trong đó, tập trung rà soát đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có, định hướng các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP. Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng.../.

Trần Quỳnh