Doanh nghiệp dệt may mong chờ chính sách về chuyển đổi xanh

Chuyển đổi xanh đã trở thành yều cầu tất yếu và luật chơi mới trên thị trường trong nước và nước ngoài và giúp doanh nghiệp vượt các rào cản và là lợi thế để doanh nghiệp mở rộng thị phần.
chuyen-doi-xanh-1694578410.jpg
Doanh nghiệp dệt may rất cần các chính sách về chuyển đổi xanh. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh hội nhập, ngoài mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư ở phạm vi khu vực, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới còn tích hợp các cam kết về môi trường và phát triển bền vững, với quan điểm cho rằng các hoạt động thương mại, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững không thể tách rời nhau.

Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả hàng hóa. Nếu doanh nghiệp không có chiến lược chuyển đổi, khách hàng sẽ lựa chọn những nhà cung cấp khác đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh và phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ mất đơn hàng và sẽ không thể tồn tại.

Chia sẻ về vấn đề này tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” mới đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết ngành dệt may đang đứng trước cơ hội lớn nhờ các hiệp định thương mại tự do được Chính phủ ký kết với nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong 8 tháng năm 2023, toàn ngành dệt may xuất khẩu 26,3 tỷ USD, riêng tháng 8 đạt 3,6 tỷ USD với nhiều tín hiệu hồi phục tích cực từ thị trường toàn cầu, nhưng đặt ra thách thức không nhỏ về yêu cầu phát triển bền vững.

Theo Chủ tịch VITAS, từ cách đây 5 năm, ngành dệt may chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu do áp lực đánh giá của nhãn hàng về thị trường xanh bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc. Đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm khi thâm nhập vào các thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ, nhưng hiện rất ít doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất xanh.

Do đó, ông Giang kiến nghị mong cơ quan quản lý hướng dẫn linh hoạt cho từng doanh nghiệp, từng địa phương để đảm bảo khả năng tài chính và nội lực để thực hiện. Cùng với đó, tạo điều kiện về chính sách vốn để doanh nghiệp dệt may đầu tư máy móc, công nghệ theo xu hướng xanh, bền vững.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, trong giai đoạn hiện nay, nếu không chuyển đổi xanh thì doanh nghiệp không thể xuất hàng đi đâu được. Trong khi đó, nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh đã có bước chuyển lớn và mong được hướng dẫn, sớm có định chế để doanh nghiệp sớm thực hiện.

Vì vậy, để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp rất cần các chương trình tín dụng xanh. Hiện, đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên để tự thân mỗi doanh nghiệp đứng ra phát hành trái phiếu xanh là điều rất khó. Từ đó, ông Hòa đề xuất các định chế tài chính, cơ quan chức năng nên có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh cho doanh nghiệp vay lại theo quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp.

Đông Nghi