TP.HCM: Xác định sứ mệnh là địa phương sẽ đi đầu trong chuyển đổi xanh

TP.HCM xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.
anh-ct-ubnd-tp-1694021804.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo

Thời gian qua, TP.HCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Khung chiến lược này sẽ được công bố tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023 diễn ra trong tháng 9, với việc xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.

Thúc đẩy chuyển đổi xanh

Tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay: “TP.HCM đang đứng trước các thách thức to lớn về biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống của người dân, an ninh năng lượng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học… Do đó, TP.HCM cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh và thúc đẩy chuyển đổi xanh để tạo không gian mới, năng lực cạnh tranh mới, đóng góp vào kinh tế cả nước. Nếu không tiến hành chuyển đổi xanh, không có chính sách cụ thể, lâu dài thì nền kinh tế thành phố mất đi năng lực cạnh tranh”.

TP.HCM xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. Thời gian qua, TP.HCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và sẽ công bố vào Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023 diễn ra trong tháng 9, ông Phan Văn Mãi tiết lộ.

Theo ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính, Bộ Tài chính được giao xây dựng thị trường carbon. Để đến năm 2025 có thể thí điểm thị trường giao dịch tín chỉ carbon thì các chính sách phải hoàn thành trước tháng 7/2024. Tất cả hàng hóa sẽ được mã hóa trước khi đưa lên thị trường, gắn kết vào sở giao dịch và lưu ký, thanh toán qua hệ thống thanh toán hiện đại.

"Tham vọng của Bộ Tài chính, bằng hạ tầng chứng khoán Việt Nam, chúng ta sẽ tiến thẳng lên thị trường hiện đại, trao đổi tự động, hiện việc này chỉ một số nước làm được. Chúng tôi cố gắng tạo môi trường công khai minh bạch rõ ràng nhất để trao đổi trên đó”, ông Sơn nói.

Riêng đối với TP.HCM, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, với Nghị quyết 98, mong rằng TP.HCM sẽ đi đầu. Tuy chưa có thị trường nhưng bước đầu có thể tạo ra hàng hóa để thí điểm các chính sách. Ông Sơn cũng khẳng định, nếu TP.HCM có lập một tổ công tác để triển khai việc này thì Bộ Tài chính và Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ tích cực phối hợp.

Xanh hoá hoạt động ngân hàng

Về phía các ngân hàng thương mại, ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam cho rằng, với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank quyết tâm đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.

Xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Định hướng phát triển trong thời gian tới, Agribank quyết tâm triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hỗ trợ phát triển bền vững. Các giải pháp trọng tâm được xác định như sau: Tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện ESG. Ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tiếp tục duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 65%-70% tổng dư nợ.

Nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường... Chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, Quỹ tín thác tín dụng xanh... để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh.

Quốc Cường