Thanh Hóa tăng tốc phát triển kinh tế để đạt mục tiêu GRDP 2 con số

Thanh Hóa đang từng bước cụ thể hóa các mục tiêu, đưa ra các kế hoạch cho từng giai đoạn nhằm tiến tới con số tăng trưởng kinh tế GRDP từ 11% trở lên.
du-lich-ss-3-1743676012.jpg
Đa dạng hóa nền kinh tế để Thanh Hóa từng bước phát triển.

Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội lịch sử để trở thành một trong những tứ giác phát triển và đầu tàu kinh tế của miền Bắc. Với kịch bản tăng trưởng chi tiết, chiến lược bài bản và hành động quyết liệt, tỉnh Thanh Hóa đang từng bước hiện thực hóa tham vọng của mình, hướng đến mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc.

Dự thu hơn 28.000 tỷ đồng từ đấu giá đất

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, mặc dù chịu tác động từ nhiều yếu tố, thu ngân sách nhà nước quý I/2025 của tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt 12.572 tỷ đồng, phản ánh sự ổn định của nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, con số này giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, đòi hỏi tỉnh phải có những giải pháp quyết liệt trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản thời gian trước chưa phục hồi rõ ràng dẫn đến thu từ đất không đạt kỳ vọng. Tiền sử dụng đất chỉ đạt 17,1% dự toán Trung ương và 15% dự toán tỉnh giao, trong khi tiền thuê đất đạt 13,5% dự toán.

Tuy nhiên, với đà phục hồi và tăng giá của thị trường bất động sản hiện nay đang cho thấy tham vọng thu ngân sách từ lĩnh vực đất đai, bất động sản của địa phương này là rất khả quan. Cụ thể hóa vấn đề này, ngày 26/3/2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 878/QĐ-UBND, phê duyệt danh mục 892 dự án đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh trong năm 2025 (đợt 1).

Theo quyết định, tổng diện tích đất dự kiến địa phương này sẽ tổ chức đấu giá là 730,9 ha, với tổng số tiền từ tiền sử dụng đất và tiền thuê dự thu gần 28.077,8 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng, số tiền nộp ngân sách nhà nước là 17.255,6 tỷ đồng.

ed-1743676433.jpg
Tổng diện tích đất dự kiến được Thanh Hóa tổ chức đấu giá là 730,9 ha.

Danh mục 892 dự án đấu giá quyền sử dụng đất phê duyệt gồm 738 dự án chuyển tiếp từ năm 2024 và 154 dự án mới, phân bố trên các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa.

Tổng diện tích đất theo quy hoạch là 2.591,65 ha, trong đó 730,9 ha được đưa ra đấu giá. Các dự án chủ yếu phục vụ đất ở và đất cho thuê, đáp ứng nhu cầu phát triển khu dân cư và kinh doanh bất động sản. Các dự án đất chuyển tiếp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm trước, đảm bảo đủ điều kiện pháp lý và hạ tầng để đấu giá ngay trong năm 2025.

Trong khi đó, 154 dự án mới tập trung vào các khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, mang lại giá trị gia tăng lớn. Quy mô các lô đất rất đa dạng, từ vài trăm mét vuông tại các xã nông thôn đến hàng chục hecta tại các thị trấn.

Được biết, trong năm 2024, các khoản thu từ đất theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa, đạt 16.195 tỷ đồng, chiếm 42% tổng thu nội địa và 27,8% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể, thu tiền sử dụng đất được 14.865 tỷ đồng, đạt 212,4% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 157,1% so với cùng kỳ. Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước được 1.330 tỷ đồng, đạt 295,6% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 152,6% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân nguồn thu từ đất tăng cao do thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc sau một thời gian đóng băng. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đủ điều kiện đưa ra đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với nhiều mặt bằng quy hoạch, dự án đầu tư trọng điểm.

Cụ thể hóa các mục tiêu tăng trưởng

Năm 2025 được xem là năm bản lề, kết thúc nhiệm kỳ 2020 - 2025 và chuẩn bị cho giai đoạn mới 2026 - 2030, thời điểm Thanh Hóa hướng tới một kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

Kịch bản tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa trong năm 2025 được chia nhỏ theo từng quý, được cụ thể hóa tại Quyết Định số 921/QĐ-UBND ngày 31/3/2025, do UBND tỉnh Thanh Hóa công bố. Theo kế hoạch, tính chung cả năm 2025, GRDP của Thanh Hóa phấn đấu đạt từ 11% trở lên, với các ngành chủ chốt đóng góp như sau: công nghiệp từ 18% trở lên, xây dựng từ 7% trở lên, dịch vụ từ 8% trở lên, và nông, lâm, thủy sản từ 3% trở lên. Thuế sản phẩm đạt từ 10% trở lên, hoàn thành bức tranh tăng trưởng toàn diện.

du-lich-1743676734.jpg
Du lịch- dịch vụ là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của Thanh Hóa.

Theo kịch bản này, trong Quý I/2025, GRDP của tỉnh Thanh Hóa được dự kiến đạt mức từ 9,79% trở lên. Trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng dẫn đầu ở mức từ 13,35% trở lên. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng mạnh mẽ với mức từ 17,21% trở lên, nhờ vào các dự án lớn như Nhà Máy Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn hay nhà máy sản xuất săm lốp ô tô Radial. Dịch vụ cũng góp phần quan trọng với mức tăng từ 6,77% trở lên, trong khi nông, lâm, thủy sản giữ vững mức từ 3,1% trở lên, đảm bảo sự ổn định cho khu vực nông thôn.

2 quý đầu năm 2025, GRDP Thanh Hóa được kỳ vọng đạt từ 10,24% trở lên. Công nghiệp tiếp tục là động lực chính với mức từ 13,74% trở lên, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo đạt từ 15,47% trở lên. Xây dựng cũng có bước tiến đáng kể, tăng từ 8,12% trở lên, phản ánh nỗ lực hoàn thiện các dự án hạ tầng trọng điểm.

Khu vực dịch vụ phục hồi ấn tượng ở mức từ 8,01% trở lên, với các ngành như vận tải kho bãi đạt từ 13,38% trở lên và dịch vụ lưu trú - ăn uống tăng từ 12,31% trở lên. Những con số này cho thấy tiềm năng lớn từ du lịch và logistics, hai lĩnh vực đang được tỉnh chú trọng phát triển. Thuế sản phẩm, trừ trợ cấp, cũng tăng trưởng ở mức từ 8,01% trở lên.

Sang Quý III và 9 tháng đầu năm 2025, Thanh Hóa tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với những con số đầy lạc quan. Trong Quý III, GRDP được dự kiến đạt từ 10,74% trở lên. Công nghiệp và xây dựng vẫn là trụ cột với mức tăng từ 13,67% trở lên, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo bứt phá ở mức từ 17,08% trở lên.

Dịch vụ cũng tăng trưởng vững chắc ở mức từ 8,52% trở lên, với đóng góp đáng kể từ vận tải kho bãi (từ 15,08% trở lên) và dịch vụ lưu trú - ăn uống (từ 10,32% trở lên). Nông, lâm, thủy sản giữ mức từ 2,97% trở lên, trong khi xây dựng đạt từ 4,41% trở lên.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2025, GRDP của Thanh Hóa phấn đấu đạt từ 10,41% trở lên. Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu với mức từ 16,02% trở lên, trong khi xây dựng đạt từ 6,7% trở lên. Dịch vụ duy trì ở mức từ 8,19% trở lên, với sự đóng góp từ các ngành như bán buôn bán lẻ (từ 10,83% trở lên) và thông tin truyền thông (từ 7,14% trở lên). Thuế sản phẩm tăng từ 8,49% trở lên.

Nửa cuối năm, đặc biệt là Quý IV/2025, là thời điểm Thanh Hóa dồn toàn lực để đạt được mục tiêu GRDP từ 11% trở lên. Trong Quý IV, GRDP được dự kiến tăng vọt lên từ 12,57% trở lên, một con số ấn tượng phản ánh quyết tâm bứt phá.

Công nghiệp và xây dựng dẫn đầu với mức từ 18,64% trở lên, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo đạt từ 23,58% trở lên. Dịch vụ giữ mức tăng từ 7,56% trở lên, với đóng góp từ bán buôn bán lẻ (từ 6,88% trở lên) và tài chính - ngân hàng (từ 12,51% trở lên). Nông, lâm, thủy sản đạt từ 2,75% trở lên, trong khi thuế sản phẩm tăng từ 11,93% trở lên.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp do tình trạng bất ổn an ninh, chính trị tại một số quốc gia, khu vực; chiến tranh thương mại, thuế quan, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt, tạo áp lực lên thị trường tài chính của các nước đang phát triển. Với kết quả thu ngân sách năm 2024 vượt xa kỳ vọng, thu ngân sách địa phương trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt kết quả tốt đang cho thấy rõ kinh tế Thanh Hóa đang trên đà phục hồi, phát triển. Điều này còn minh chứng cho những quyết sách kịp thời của tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện là đúng đắn./.

Viết Huy