Đẩy nhanh lộ trình để ngành chăn nuôi thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Nhằm thực hiện cam kết đạt Net Zerro vào năm 2050, thì chăn nuôi cũng như mọi lĩnh vực khác sẽ phải thực hiện tiến trình giảm phát thải khí nhà kính.
phan-anh-metan1-1730546272.jpg
Đẩy nhanh lộ trình để ngành chăn nuôi thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Ảnh minh họa

Nguồn phát thải khí nhà kính chính trong chăn nuôi là quá trình tiêu hóa của gia súc, khi gia súc nhai lại thức ăn, vi sinh vật trong dạ cỏ của chúng tạo ra khí mê-tan. Phân bón và quản lý đất, việc sử dụng phân bón hóa học và quản lý đất không hợp lý dẫn đến phát thải khí nitrous oxide. Lãng phí thức ăn, thức ăn gia súc không được tiêu thụ sẽ bị phân hủy, tạo ra khí mê-tan và nitrous oxide. Xử lý chất thải chăn nuôi, bao gồm các loại chất thải rắn, lỏng, khi từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến không hợp lý cũng góp phần gây phát thải khí nhà kính.

Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Báo cáo “Con đường hướng tới lượng khí thải thấp hơn” được công bố tại COP28, năm 2015, các hệ thống nông sản chăn nuôi đã thải ra khoảng 6,2 tỷ tấn khí CO2 mỗi năm, bằng 12% tổng lượng phát thải do con người tạo ra.  Ước tính về lượng phát thải các hoạt động sản xuất trong ngành chăn nuôi, lợn chiếm 14%, gà chiếm 9%, trâu, bò chiếm 8% và động vật nhai lại nhỏ chiếm 7%. Xét theo mặt hàng, sản xuất thịt chiếm 2/3 lượng khí thải, sữa chiếm 30% và trứng chiếm phần còn lại.

Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm 2 nguồn chính: Khí metan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Theo kết quả điều tra năm 2016, lượng khí nhà kính phát thải từ dạ cỏ của động vật nhai lại chiếm tỷ trọng cao nhất, 444.000 tấn khí CH4 (tương đương 12,42 triệu tấn CO2e), tiếp đến là phát thải từ phân động vật bao gồm 11.000 tấn khí N2O (tương đương 2,97 triệu tấn CO2e) và 112.000 tấn khí CH4 (tương đương 3,13 triệu tấn CO2e).

Để hoàn thành được quy trình kiểm kê khí nhà kính, bước xác định hệ số phát thải khí nhà kính là một trong những bước đầu quan trọng không thể bỏ qua. Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động quan trọng để giúp các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia cân đối lượng phát thải khí nhà kính qua mỗi năm. Bộ Tài Nguyên và Môi trường ngày 10/10/2022 đã ban hành Quyết định số 2626/QĐ-BTNMT về công bố danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính. 

Theo đó, trong số các động vật có phát thải khí metan từ dạ cỏ, bò sữa gây phát thải nhiều nhất, khoảng 78kg khí CH4/con/năm, trâu khoảng 76kg khí CH4/con/năm, bò thịt 54kg CH4/con/năm, ngựa 18kg CH4/con/năm, dê, cừu 5kg CH4/con/năm, lợn 1kg CH4/con/năm. Tuy nhiên, do số lượng chăn nuôi bò thịt và trâu ở nước ta khá lớn nên lượng phát thải khí mê tan hàng năm từ bò thịt lên tới 250.000 tấn/năm, tiếp theo là trâu với 138.000 tấn và bò sữa khoảng 20.000 tấn/năm.

Đối với chăn nuôi lợn, một con lợn phát thải khoảng 4,84kg CO2 tương đương/kg thịt. Nếu tính trung bình khối lượng lợn tiêu chuẩn xuất chuồng là 90kg, một con lợn phát thải khoảng 438kg CO2 tương đương khi đạt tiêu chuẩn xuất chuồng. Một hộ chăn nuôi có quy mô trung bình từ 3.000 đầu lợn sẽ phát thải sấp xỉ 3.000 tấn CO2 tương đương/năm.

phan-anh-me-tan-11-1730546276.jpg
Phát thải khí metan lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi lợn thịt. Ảnh minh họa

Kết quả kiểm kê cho thấy phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bò và chăn nuôi lợn luôn chiếm phần lớn nhất trong tổng phát thải khí nhà kính của ngành. Phát thải khí metan từ phân động vật gây ra trong điều kiện yếm khí trong các hầm khí sinh học (biogas) hoặc ở những nơi chứa phân động vật số lượng lớn nhưng điều kiện thông khí kém. Do vậy, phát thải khí metan lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi lợn thịt.

Bắt đầu từ tháng 10/2024, hơn 2.000 cơ sở thuộc các lĩnh vực công thương, giao thông vận tải, xây dựng và tài nguyên môi trường sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024. Sau văn bản kiến nghị từ Hiệp Hội Chăn nuôi và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định mới ban hành danh mục lĩnh vực và cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết Hội Chăn nuôi Việt Nam đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đưa lĩnh vực chăn nuôi vào danh mục kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay, ít nhất là từ nay đến năm 2027. Theo quyết định này, các cơ sở chăn nuôi hiện chưa nằm trong danh sách bắt buộc kiểm kê khí nhà kính.Việc khuyến khích chứ không bắt buộc các cơ sở chăn nuôi vào danh sách kiểm kê khí nhà kính được xem là phù hợp với mức độ phát triển của ngành chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay.

Trong các kỳ Báo cáo kiểm kê quốc gia khí nhà kính gần đây, phát thải khí nhà kính từ ngành chăn nuôi đang có xu hướng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2016, phát thải khí nhà kính từ ngành chăn nuôi là 18,5 triệu tấn CO2 tương đương, năm 2018 theo kết quả ước tính thì lượng phát này đã tăng lên mức xấp xỉ 22,2 triệu tấn CO2 tương đương, năm 2020 lượng khí thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi là hơn 30,84 triệu tấn CO2 tương đương. Vì vậy, để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm ô nhiễm và chuyển đổi năng lượng xanh, không đứng ngoài cuộc trong kiểm kê khí nhà kính và tìm ra các giải pháp để hạn chế phát thải là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Minh, Công ty Nông nghiệp BAF Việt Nam cho rằng cần có lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị từng bước, đảm bảo những yếu tố cần thiết. Giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn không chỉ là con đường của Việt Nam mà là mục tiêu toàn cầu. Chăn nuôi và nông nghiệp sẽ không thể đảo ngược xu thế này, nhưng cần có một lộ trình thích hợp để các cơ sở chăn nuôi có thể phát triển bền vững và đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.

Theo TS Nguyễn Xuân Dương, nhằm thực hiện cam kết đạt Net Zerro vào năm 2050, thì chăn nuôi cũng như mọi lĩnh vực khác sẽ phải thực hiện tiến trình giảm phát thải khí nhà kính. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó có quy định những cơ sở sản xuất, kinh doanh có lượng khí phát thải từ 3.000 tấn CO2/năm hoặc từ 65.000 tấn chất thải/năm thì thuộc diện phải kiểm kê khí nhà kính.

Nếu theo quy định này thì hiện nay ở Việt Nam sẽ có khoảng trên 4.200 cơ sở chăn nuôi có quy mô 1.000 con trâu, bò hoặc 3.000 con lợn có mặt thường xuyên phải thuộc diện phải kiểm kê khí nhà kính từ năm 2024./.

Hương Lan