Chính thức khởi động sáng kiến “Hộ chiếu Vườn quốc gia”

Với mục tiêu tạo cơ chế thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, Việt Nam lần đầu tiên thí điểm thực hiện sáng kiến “hộ chiếu vườn quốc gia”.
ttp01285-copy-1200x800-1720716240.jpg
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa kết hợp dược liệu..., hướng đến phát triển bền vững, bảo tồn nguồn nước và trung hòa các-bon.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam có trên 14,86 triệu ha rừng với tiềm năng phong phú, đa dạng về các giá trị hệ sinh thái rừng. Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đã thúc đẩy chủ trương “xã hội hoá nghề rừng” bằng nhiều cơ chế, chính sách. Cụ thể, trong quan điểm tại Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ: “…có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp”.

Nhằm hiện thực hóa chủ trương của Chiến lược, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác công - tư phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, Cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức Suntory PepsiCo Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa kết hợp dược liệu..., hướng đến phát triển bền vững, bảo tồn nguồn nước và trung hòa các-bon.

Theo đó, mục tiêu của chương trình là sẽ trồng mới và làm giàu cho gần 250ha rừng tại khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ở Việt Nam. Đặc biệt, hai bên sẽ cùng hợp tác triển khai sáng kiến “hộ chiếu vườn quốc gia” xuất phát từ ý tưởng của Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.

Trình bày về sáng kiến “hộ chiếu vườn quốc gia”, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết: Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến này, với mục tiêu tạo cơ chế thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Hộ chiếu Vườn quốc gia tạo động lực cho du khách trải nghiệm và khám phá các giá trị của hệ sinh thái rừng.

Từ đó, từng bước hình thành cơ chế tài chính bền vững và tạo đà cho các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên có cơ sở hạ tầng du lịch có lượt du khách đến tham quan, đồng thời thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến các giá trị bền vững của hệ sinh thái.

cuc-phuong-1720716240.jpg
Vườn quốc gia Cúc Phương. (Ảnh minh họa)

Không chỉ có thế, hộ chiếu Vườn quốc gia sẽ là cầu nối con người với thiên nhiên. Hộ chiếu Vườn quốc gia sẽ tăng cường ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc thúc đẩy du khách chấp nhận và tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Quảng bá văn hóa và giáo dục qua việc kích thích sự hiểu biết về giá trị văn hóa và tự nhiên của vùng.

Bên cạnh đó, Hộ chiếu Vườn quốc gia thúc đẩy hoạt động du lịch, tạo thêm động lực, khuyến khích du khách trải nhiệm nhiều hơn tại các vườn quốc gia trên mỗi vùng miền. Điều này tạo nguồn thu nhập bền vững, hỗ trợ cộng đồng địa phương và bảo tồn hóa vùng lân cận với vườn quốc gia. Hoạt động giáo dục môi trường, bảo tồn...

Ngoài ra, quyền lợi của người sử dụng Hộ chiếu là nhận được những lợi ích về sức khỏe và tinh thần thông qua việc trải nghiệm thiên nhiên, được trang bị các kiến thức và truyền cảm hứng để hành động cùng bảo tồn thiên nhiên. Người sử dụng hộ chiếu có cơ hội nhận các giải thưởng từ chương trình khi tích cực tham quan trải nghiệm các vườn quốc gia; có cơ hội nhận các ưu đãi dịch vụ khi tham gia du lịch sinh thái tại các vườn…

Trong giai đoạn đầu, hộ chiếu vườn quốc gia được áp dụng tại 34 vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng có hoạt động du lịch của Việt Nam.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Tôi mong những tấm hộ chiếu này sẽ góp thêm những nguồn lực mới hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Chúng ta cần tìm cách phát triển, nâng cao quá trình hợp tác công tư, làm thế nào để 34 vườn quốc gia vươn xa, phát triển giá trị đa dụng của rừng. Tôi vừa gửi các tài liệu về hộ chiếu vườn quốc gia tới các đại biểu Quốc hội, các địa phương có rừng, doanh nghiệp chế biến gỗ, ai cũng rất hồ hởi, mong chờ sự thay đổi từ những tấm hộ chiếu rừng. Tôi hy vọng, với hộ chiếu vườn quốc gia, chúng ta sẽ giữ rừng bằng một cách khác, để chúng ta giàu hơn, làm giàu không chỉ bằng tiền mà bằng cảm xúc, sự thoải mái khi về với rừng”./.

Hương Lan