Bắc Ninh: Nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh

Ưu điểm ứng dụng men vi sinh IMO là người dùng tự làm tại nhà theo công thức được hướng dẫn, nguyên liệu sẵn có và giá rẻ, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường...

Tại tỉnh Bắc Ninh trong những năm gần đây, các khu công nghiệp, khu đô thị phát triển, dân số tăng làm cho lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều. Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, trên địa bàn toàn tỉnh mỗi ngày phát sinh khoảng 870 tấn rác thải sinh hoạt và mỗi năm tăng thêm khoảng 10%.

Trước thực trạng đó, thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và "Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025", các cấp Hội trong tỉnh được hướng dẫn công thức làm men vi sinh IMO từ Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ, để xử lý mùi hôi từ nước thải, rác thải hữu cơ sinh hoạt, phân chuồng trong chăn nuôi.

Được biết, ưu điểm ứng dụng men vi sinh IMO là người dùng tự làm tại nhà theo công thức được hướng dẫn, nguyên liệu sẵn có và giá rẻ, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Đó là giảm tối đa chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chủ động nguồn đầu tư hàng năm; tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (gọi tắt LHPN-PV) tỉnh Bắc Ninh cho biết, xét thấy đây là công nghệ hay, chi phí rẻ, dễ làm, mang lại hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, Hội LHPN tỉnh quyết định chọn giải pháp này để triển khai từ tháng 7/2019.

Song song với việc tập trung tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện phân loại rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng Kế hoạch số 112/KH-BTV về việc triển khai "Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025" trong các cấp Hội, gắn với tổ chức các lớp tập huấn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ và hướng dẫn thực hành công nghệ sản xuất phân bón, bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ cho hội viên phụ nữ tại 8 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 186 lớp (thu hút 45.180 lượt hội viên phụ nữ tham gia).

Sau lớp tập huấn, chỉ đạo mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn 1 cơ sở Hội làm điểm mô hình thực hành phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, ứng dụng làm vi sinh bản địa IMO để xử lý rác thải hữu cơ đã được phân loại tại hộ gia đình làm phân bón trồng rau, cây, chăm sóc đường hoa phụ nữ.

6-1666953217.jpg
Rác hữu cơ sau khi được phân loại sẽ được xử lý làm phân bón cho cây trồng.

Các cấp Hội trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động được 45.332 hộ gia đình hội viên phụ nữ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn gắn với sử dụng men vi sinh IMO để xử lý rác hữu cơ đã phân loại. Có 357 mô hình kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ ứng dụng IMO trong sản xuất và chăn nuôi.

Đặc biệt, có những hội viên phụ nữ là chủ trang trại nông nghiệp đang xin rác hữu cơ về ngâm IMO để phục vụ trồng trọt.

Một số tín hiệu tích cực

Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các cấp Hội thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình như: "Làng 3 sạch", "Khu dân cư không rác thải", "Làng nông thôn mới/khu dân cư kiểu mẫu", "Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch", "Chi hội phụ nữ phân loại rác thải", "Làng quê/khu phố an toàn"...

Cùng với đó, các cấp Hội còn thực hiện ứng dụng vi sinh IMO trong xử lý các điểm tập kết rác thải. Ý tưởng thử nghiệm ứng dụng men vi sinh IMO trong xử lý các điểm tập kết rác thải được Hội LHPN tỉnh trao đổi với Huyện ủy, UBND huyện Gia Bình và thống nhất định hướng chỉ đạo.

Huyện ủy Gia Bình đã ban hành Nghị quyết về việc triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn huyện, trích kinh phí 50 triệu đồng để tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ làm IMO; đồng thời, giao cho Hội LHPN huyện chủ trì phối hợp với các phòng, ban liên quan thực hiện xử lý 100% bãi tập kết rác thải trên địa bàn huyện bằng men vi sinh IMO do hội viên phụ nữ sản xuất.

Hội LHPN huyện Gia Bình đã tham mưu lựa chọn thôn Phú Dư, xã Quỳnh Phú, làm điểm. Có 360 hộ gia đình thực hiện. Sau hơn 1 tháng, bãi rác đã giảm 60%-70%. Từ một đơn vị làm điểm, Hội LHPN huyện Gia Bình đã hướng dẫn 13 xã/thị trấn còn lại làm men vi sinh IMO để xử lý rác thải hữu cơ.

Đến nay, trên địa bàn huyện Gia Bình đã cơ bản xử lý hiệu quả 67/67 điểm tập kết rác.

Thi Nguyên (t/h)