Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, tình trạng khô hạn nghiêm trọng đã khiến 13 hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh cạn kiệt. Trong đó, huyện Đắk Mil chịu ảnh hưởng nặng nhất với 9 công trình bị khô hạn. Phần lớn các hồ, đập đã hết nước từ đầu tháng 3/2025. Riêng hồ Đắk Ken cạn trơ đáy từ giữa tháng 2. Yêu cầu cấp bách về các giải pháp ứng phó với hạn hán đã được đặt ra.

Trong số các công trình thủy lợi tại Đắk Mil đã cạn kiệt, chỉ 4 hồ chứa—gồm hồ Đắk Ken, hồ Đội 35, hồ Đội 40 và hồ Đắk Louu - có thể được bơm bổ sung nước từ các hồ lớn hơn như hồ Đội 1 và hồ Tây để chống hạn. Các công trình còn lại không có giải pháp tiếp nước, khiến tình trạng khô hạn trở nên nghiêm trọng hơn.
Hiện tại, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông đang quản lý 208 hồ, đập chứa nước. Ngoài ra, còn có 30 công trình khác đang ở mức báo động khi mực nước chỉ còn dưới 30% dung tích. Dự báo đến hết tháng 3/2025, Đắk Nông sẽ có 22 hồ, đập thủy lợi rơi vào tình trạng cạn kiệt nước. Tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi bước sang tháng 4/2025, thêm 15 công trình nữa có nguy cơ khô hạn hoàn toàn.

Những năm qua, biến đổi khí hậu khiến tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra nghiêm trọng trên toàn tỉnh Đắk Nông, ảnh hưởng đến cả 8 huyện, thành phố. Riêng trong năm 2024, hơn 8.800 ha cây trồng của người dân bị giảm năng suất do thiếu nước tưới, gây thiệt hại ước tính khoảng 430 tỷ đồng. Trước thực trạng này, việc tìm giải pháp ứng phó với hạn hán đang trở thành vấn đề cấp bách đối với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương.

Hiện nay, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình thủy lợi lớn tại Đắk Nông gặp nhiều thách thức. Lý do là yêu cầu vốn lớn và vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Tỉnh xác định hỗ trợ người dân xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến là giải pháp khả thi, mang lại hiệu quả bền vững về lâu dài trong công tác phòng chống hạn hán.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông đã phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng theo Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND. Danh mục các công trình cần đầu tư trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 đã được Sở Nông nghiệp và Môi trường gửi về Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Để phục vụ tưới cho 800ha cây trồng, Đắk Nông đề xuất nhu cầu vốn hơn 25 tỷ đồng trong năm 2025. Nguồn vốn này được phục vụ đầu tư phát triển cho các hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và ứng dụng tưới tiết kiệm nước. Theo phương án phân bổ, 5 huyện gồm Cư Jút, Đắk Glong, Krông Nô, Tuy Đức và Đắk Mil sẽ được hỗ trợ 3,6 tỷ đồng mỗi huyện. Ba địa phương khác gồm Đắk Song, Đắk R’lấp và TP. Gia Nghĩa dự kiến nhận 2,5 tỷ đồng mỗi đơn vị.

Trong giai đoạn 2026-2030, UBND tỉnh Đắk Nông dự kiến đầu tư hơn 125 tỷ đồng để phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, phục vụ tưới tiêu cho 4.000ha cây trồng tại địa phương. Việc phân bổ nguồn vốn này nhằm tăng cường khả năng chống hạn, đảm bảo nguồn nước tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp trước tác động cực đoan của biến đổi khí hậu.
Theo kế hoạch, bốn huyện Cư Jút, Đắk Glong, Krông Nô và Tuy Đức sẽ được hỗ trợ 18 tỷ đồng mỗi huyện. Ba địa phương gồm Đắk Song, Đắk R’lấp và TP. Gia Nghĩa dự kiến nhận 12,6 tỷ đồng mỗi đơn vị, trong khi huyện Đắk Mil có nhu cầu đầu tư 15,3 tỷ đồng./.