Đắk Lắk chủ động ứng phó khô hạn, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp

Bước vào cao điểm mùa khô 2025, Đắk Lắk đối diện với tình trạng nắng nóng kéo dài. Nguy cơ hạn hán cục bộ dẫn đến thiếu nguồn nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp đã xuất hiện tại nhiều khu vực.

Ngày 30/3, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, mực nước trên các sông trong tỉnh tiếp tục giảm, báo hiệu một mùa khô khắc nghiệt. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh đang khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm chủ động nguồn nước tưới nhằm bảo đảm sản xuất ổn định.

dak-lak-da-trai-qua-dot-kho-han-nghiem-trong-vao-nam-2024-1743356027.jpg
Đắk Lắk đã trải qua đợt khô hạn nghiêm trọng vào năm 2024.

Đắk Lắk hiện có khoảng 430.000ha cây trồng cần tưới nước, trong đó hơn 65.500ha là cây ngắn ngày, chủ yếu lúa nước, và hơn 367.000 ha cây dài ngày, gồm cà phê và cây ăn quả. Trong tình hình hiện tại, việc đảm bảo nguồn nước tưới đang trở thành nhiệm vụ cấp bách để duy trì sản xuất nông nghiệp bền vững.

Để đáp ứng nhu cầu nước tưới, tỉnh hiện đang có hơn 850 công trình thủy lợi, gồm 623 hồ chứa với tổng dung tích 650t triệu m3. Ngoài ra, còn có hơn 160 đập dâng và 88 trạm bơm cùng 2 tuyến đê bao. Hiện nay, hệ thống thủy lợi này đảm bảo chủ động cho hơn 80% diện tích cây trồng tại địa phương có nhu cầu về nước tưới.

Tuy nhiên, về thực tế sử dụng thì chỉ có khoảng 23% diện tích cây trồng được tưới trực tiếp từ các công trình này. Phần lớn diện tích còn lại vẫn phải dựa vào nguồn nước tự nhiên như sông, suối, ao hồ và nước ngầm. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo nước tưới ổn định, nhất là trong bối cảnh mùa khô ngày càng khắc nghiệt.

mot-con-ho-gan-can-tro-day-tren-dia-ban-tinh-dak-lak-1743355931.jpg
Dự báo trong thời gian tới, nhiều sông, suối nhỏ có thể khô cạn, gây hạn hán cục bộ tại một số khu vực. (Ảnh minh họa)

Theo ước tính, nguồn nước tại các hồ chứa năm nay có nguy cơ hao hụt nhiều hơn từ 10-15% so với những năm trước. Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk đã yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai phương án ứng phó. Việc chủ động nguồn nước tưới được xem là giải pháp cấp thiết nhằm giảm thiểu tác động của khô hạn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp ổn định.

Dự báo trong thời gian tới, nhiều sông, suối nhỏ có thể khô cạn, gây hạn hán cục bộ tại một số khu vực. Theo thống kê, hơn 4.500 ha cây trồng ngắn ngày có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tập trung chủ yếu tại các huyện Buôn Đôn, Lắk, Ea Súp, Krông Pắc, Krông Ana, Cư Kuin và Cư M’gar. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp và các địa phương đang khẩn trương triển khai giải pháp ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do hạn hán gây ra.

nganh-nong-nghiep-dak-lak-dang-tich-cuc-trien-khai-cac-bien-phap-chu-dong-nguon-nuoc-tuoi-tieu-de-dam-bao-san-xuat-nong-nghiep-trong-mua-kho-2025-1743355884.jpg
Ngành nông nghiệp Đắk Lắk đang tích cực triển khai các biện pháp chủ động nguồn nước tưới tiêu để đảm bảo sản xuất nông nghiệp trong mùa khô 2025.

Sở yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ nguồn nước tưới hiện có. Song song đó, Sở cũng yêu cầu cần điều tiết nước hợp lý và chủ động chuyển đổi sang các loại cây trồng chịu hạn tốt hơn. Với cây công nghiệp lâu năm, ngành nông nghiệp khuyến khích áp dụng tưới nhỏ giọt, tưới có kiểm soát và đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xác định nhu cầu nước tưới, giúp tiết kiệm tối đa nguồn nước trong mùa khô.

Mùa khô năm 2024, Đắk Lắk phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng, khiến khoảng 27.284ha cây trồng bị ảnh hưởng do thiếu nước. Trong đó, 1.453 ha bị mất trắng, 20.290 ha chịu thiệt hại từ 30 - 70%. Tổng thiệt hại ước tính lên tới hơn 165 tỷ đồng./.

Kiến Giang