Tiếp tục triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường từ việc hoàn thiện chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, tiếp cận mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường, hài hòa giữa vấn đề môi trường với vấn đề kinh tế - xã hội...
o-nhiem-khong-khi-nguyen-nhan-va-mot-so-bien-phap-khac-phuc-1666571220.jpg
Ảnh minh họa

Cử tri tỉnh Bình Thuận phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra là một vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước hiện nay, vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hiện nay, chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Cử tri kiến nghị có chính sách, biện pháp, chế tài cụ thể đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm tại các khu công nghiệp, các nhà máy lớn...

Ghi nhận ý kiến phản ảnh của cử tri, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường từ việc hoàn thiện chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, tiếp cận mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường, hài hòa giữa vấn đề môi trường với vấn đề kinh tế - xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo vệ môi trường; tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.

Qua đó, đã tập trung quản lý tốt 20-30% cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhưng gây ra 70-80% các vấn đề môi trường để khoanh vùng, áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự cố, giám sát chặt chẽ việc xả thải. Chủ động triển khai các biện pháp giám sát trong quá trình thử nghiệm và vận hành kết nối trực tuyến với hệ thống giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay, cả Trung ương và địa phương đã đầu tư lắp đặt 1.234 trạm quan trắc nguồn thải có kết nối số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, từ năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập và duy trì hiệu quả 12 Tổ giám sát đặc biệt đối với các tổ hợp dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp quy mô lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; hình thành mô hình giám sát có sự phối hợp “04 bên" giữa Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ giám sát cộng đồng tại địa phương và các dự án/cơ sở giúp tăng cường giám sát hiệu quả, công khai, liên tục việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường của cơ sở. Đến nay, nhiều dự án, cơ sở sản xuất đã đáp ứng đủ điều kiện đi vào vận hành chính thức, có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai rà soát, đánh giá thực trạng, xác định các vấn đề bất cập về chính sách và xây dựng các quy định mới, trình Quốc hội thông qua tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022). Với nhiều quy định mới, mang tính đột phá như: thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam…

 Ngày 10/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã đảm bảo hướng dẫn kịp thời Luật Bảo vệ môi trường. Để tăng cường chế tài xử phạt vi phạm hành chính và đồng bộ với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ngày 07/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó quy định mức xử phạt rất cao đối với các hành vi cố tình vi phạm, gây hậu quả xấu tới môi trường. Theo đó, với hệ thống chính sách, pháp luật mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng thời gian tới công tác quản lý về bảo vệ môi trường sẽ đạt những kết quả tích cực.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai các giải pháp sau đây: Thứ nhất, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm thể chế hóa việc thực hiện chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, kiểm soát nguy cơ phát sinh sự cố môi trường và vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau: Xây dựng các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đồng thời, triển khai xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, đảm bảo phù hợp với sức chịu tải của môi trường. Quy hoạch và phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm định đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Rà soát, tiếp tục tăng cường cơ chế giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường công tác bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; rà soát, kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, buộc các đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục theo quy định của pháp luật, truyền số liệu trực tiếp về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để theo dõi, giám sát.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất, thực hiện thanh tra thường xuyên về bảo vệ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo lộ trình để tiến tới áp dụng mức quy chuẩn, tiêu chuẩn tương đương các nước tiên tiến trong khu vực nhằm thiết lập các hàng rào kỹ thuật duy trì và bảo vệ môi trường, đảm bảo sự chủ động đề kháng trước các nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch chuyển công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Thứ hai, thiết lập và triển khai có hiệu quả các cơ chế xã hội hóa nhằm huy động tổng lực sự tham gia của toàn xã hội trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước, các tổ chức, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền", “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả". Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường thông qua việc tăng cường vai trò điều phối, phân bổ chi ngân sách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường; nghiên cứu, kiến nghị cơ chế cử cán bộ đại diện ngoại giao về môi trường tại các nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Thứ tư, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các quy định mới. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình truyền thông theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường./.

Lê Hiếu