Hà Tĩnh: Người chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường

Thời gian gần đây, nhiều hộ chăn nuôi tại Hà Tĩnh đã sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Đây là phương pháp tuy không mới nhưng hiệu quả trong việc giảm chi phí chăn nuôi và là giải pháp thiết yếu để cải thiện môi trường.

Hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường sống

Hà Tĩnh vốn là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là mưa lũ. Có thể nói, Hà Tĩnh là địa phương có khí hậu khắc nghiệt. Do vậy, ngành chăn nuôi cũng chịu sự tác động không nhỏ của khí hậu, nhiều vùng thường xuyên chịu cảnh ngập lụt về mùa mưa. Việc chăn nuôi cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường sống của con người, đặc biệt ở vùng nông thôn.

z3798269873363-a24aed80324ea86454fa3f842732f34d-1665716076.jpg
Nhiều hộ chăn nuôi tại Hà Tĩnh làm đệm lót cho chuồng trại để giảm chi phí và bảo vệ môi trường.

Để giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường, những năm gần đây, người chăn nuôi tại Hà Tĩnh đã sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Điều này đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi.

Với đặc thù người dân Hà Tĩnh thường làm chuồng trại chăn nuôi ngay trong vườn nhà, có những vùng do vườn nhà chật hẹp nên người dân làm chuồng trại chăn nuôi ngay sát nhà. Vì vậy, để giảm bớt mùi hôi từ chất thải của vật nuôi, người dân phải thường xuyên quét dọn và rửa bằng nước. Tuy nhiên, việc làm này khá mất thời gian và công sức nhưng vẫn không khử được hết mùi hôi thối, chất thải lại tràn ra môi trường gây ô nhiễm.

z3798269835920-731682f40e212e1924c81d1b71db6299-1665716150.jpg
Người dân Hương Khê thực hành làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia đình.

Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi tại Hà Tĩnh đã áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi và đã chứng minh được hiệu quả trong việc bảo về môi trường, giảm chi phí trong chăn nuôi.

Chị Phan Thị Thủy - Chủ tịch hội phụ nữ xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Từ khi tiếp cận được thông tin về phương pháp làm đệm lót sinh học cho chuồng gia súc gia cầm, nhiều người đã rất hứng thú và áp dụng trong gia đình. Để giúp bà con, cán bộ hội đã tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn. Sau khi được phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật, hiện tại địa phương đã có 12 chăn nuôi áp dụng làm đệm lót sinh học".

z3792199519436-621d821b8f81f4847eda19529d4ed7c9-1665716173.jpg
Dùng đệm lót trong chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Anh Nguyễn Hồng Tiệp, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: "Tôi làm đệm lót sinh học để chăn nuôi hươu. Làm đệm lót sinh học này vừa giảm mùi hôi của phân và nước thải. vừa giảm thời gian và nhân công dọn chuồng vì làm đệm lót sinh học thì 6 tháng mới phải thay một lần, cứ 1 tháng mình đảo lớp đệm lót 2 lần là được".

Chị Thủy cho biết thêm: "Bước đầu nhận thấy, làm đệm lót sinh học rất hiệu quả, ngoài việc khủ mùi hôi thì người chăn nuôi giảm được ngày công, thời gian, công sức dọn chuồng. Hiện xã đang hỗ trợ men vi sinh cho các hộ gia đình làm đệm lót sinh học lần đầu để khuyến khích người dân áp dụng cách làm mới này trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường. Để những hộ dân khác nhìn thấy các hộ dân đã làm để học tập làm theo".

z3798289770701-c08ef08428e576e681cfa4350fe9295a-1665716313.jpg
Cán bộ Hội Phụ nữ tập huấn cách làm đệm lót sinh học cho người chăn nuôi.

Thực tế cho thấy, với những gia đình chăn nuôi nhỏ, việc sử dụng đệm lót sinh học đã mang lại hiệu quả thiết thực. Họ không phải sống trong mùi hôi từ chuồng trại chăn nuôi của gia đình. Còn những mô hình chăn nuôi lớn, việc áp dụng đệm lót sinh học mang lại hiệu quả nhiều hơn.

z3798289770700-f69d0d0b7b8703cdd19d09ba25c81f5e-1665716340.jpg
Người chăn nuôi học tập kỹ thuật làm đệm lót sinh học.

Chị Võ Thanh Kỷ, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang nói: "Gia đình tôi nuôi 20 con lợn thịt, vừa rồi mới xuất được một lứa. Hiện nay, tôi đang hoàn thành chuồng mới để nuôi 80 con lợn thịt và 8 con lợn nái. Từ chăn nuôi theo kiểu truyền thống, hiện nay tôi chuyển sang làm đệm lót sinh học để chăn nuôi. Vì thế trong chuồng lợn hầu như không còn mùi hôi của phân và nước thải. Điều này không chỉ gia đình tôi không bị ảnh hưởng mà những hộ dân xung quanh cũng không còn bị ảnh hưởng nữa. Tôi cũng không phải mất thời gian, công sức để dọn chuồng hằng ngày như trước nữa".

Cách làm đơn giản, chi phí ít

Để làm được đệm lót sinh học trong chăn nuôi, nguyên liệu gồm có: vỏ trấu, vỏ lạc, rơm rạ, mùn cưa. Sau đó, nguyên liệu này được trộn cùng bột chế phẩm sinh học để ủ cho mùn cưa, vỏ trấu… lên men.

z3798269844249-d8497f623d3b9f2256bbfe3691cfd42a-1665716240.jpg

Đệm lót sinh học dễ làm, hiệu quả kinh tế.

Theo các hộ dân, mỗi bao tải vỏ trấu chị có giá 6.000 đồng, được mua từ các hộ có máy xay xát lúa. Còn men vi sinh cũng có bán sẵn trên thị trường, mỗi gói men vi sinh được bán ngoài thị trường với giá 250.000 đồng

Quy trình làm khá đơn giản, người dân chỉ cần rải lớp trấu dày khoảng 10cm, sau đó rải men sinh học lên, tiếp đó trộn đều. Tùy từng hộ gia đình, mức độ chăn nuôi mà người chăn nuôi làm lớp đệm lót có độ dày khác nhau, thường độ dày từ 10 - 30 cm.

Chị Kỷ chia sẻ: "Với diện tích ô chuồng 20m2/10 con lợn như của gia đình tôi thì mỗi lần trộn đệm lót chỉ cần nửa gói. Đệm lót sau khi hình thành sẽ phát huy tác dụng kéo dài khoảng 5 tháng, trong thời gian đó nếu thấy đệm ướt thì trộn thêm trấu và men vi sinh. Thường thì sử dụng đến khi lợn lớn và xuất chuồng, lớp đệm sinh học sẽ được sử dụng làm phân bón cho cây trồng".

z3798289802813-be2aae995caa356ddb1f6a40203b0b0b-1665716271.jpg
Cách làm đệm lót sinh học giúp bảo vệ môi trường.

Ngoài việc khử mùi hôi của chuồng trại, tiết kiệm công sức, chi phí dọn rửa chuồng hằng ngày thì đệm lót sinh học sẽ được sử dụng làm phân bón cho các cây trồng rất tốt.

Trao đổi với Phóng viên, ông Trương Thanh Hà - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Thời gian gần đây, vấn đề môi trường càng phức tạp chủ yếu liên quan đến các hộ chăn nuôi hộ gia đình cũng như các trang trại lớn. Khi tìm hiểu về phương pháp sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, địa phương đã cử cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số mô hình đã sử dụng đệm lót sinh học ở các huyện bạn và tỉnh bạn. Sau đó về triển khai tại địa phương. Ưu điểm của việc sử dụng đệm lót sinh học là môi trường không có mùi hôi và không có nước thải chảy tràn lan; Sau khi thải loại, lớp đệm lót được sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Thời gian tới, chúng tôi tieps tục tuyên truyền, phổ biến để mở rộng cách làm này trên địa bàn".

Nguyễn Duyên