TP.HCM: Kiến nghị 17 nội dung về đất đai, môi trường

Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiến nghị 17 nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Cụ thể, ở lĩnh vực đất đai, TP.HCM kiến nghị cho phép thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, trình HĐND TP.HCM thông qua. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất.

Bên cạnh đó, kiến nghị cho phép thành phố áp dụng việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm.

hcm-1669105483.jpg
TP.HCM kiến nghị 17 nội dung về đất đai, môi trường trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. (Ảnh: SGGP)

Theo văn bản, TP.HCM cũng kiến nghị được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B; cho phép TP.HCM thí điểm việc cho phép các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng “quyền thuê đất” đóng tiền hàng năm…

Đối với lĩnh vực môi trường, TP.HCM kiến nghị Trung ương cho phép UBND các cấp được sử dụng các thiết bị sẵn có tại địa phương như: camera, điện thoại thông minh để phát hiện các hành vi xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định. Đồng thời, được sử dụng hình ảnh vi phạm này để làm căn cứ xử phạt trực tiếp đối tượng vi phạm.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết 54, HĐND TP.HCM đã quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy hoạch với gần 1.850ha cho 32 dự án; quyết định 6 dự án đầu tư nhóm A sử dụng ngân sách TP.HCM và triển khai thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được 131 tỷ đồng. Cơ chế ủy quyền cho các ngành và địa phương giúp giảm bớt thủ tục hành chính.

Thực tế cho thấy, chính sách chi thu nhập tăng thêm đã tạo được động lực làm việc cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả khả quan, sau hơn 4 năm triển khai, hầu hết các cơ chế chính sách đặc thù về quản lý tài chính trong Nghị quyết 54 nhằm tăng nguồn thu của TP.HCM đều chưa được tận dụng.

Đơn cử, Quốc hội trao quyền cho TP.HCM hưởng toàn bộ số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thay vì phải phân cấp nguồn thu với Trung ương. Tuy nhiên, đến năm 2021, Bộ TN&MT mới ban hành thông tư hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Trước đó, vì chưa có hướng dẫn nên TP.HCM chưa thể ban hành quyết định cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp.

Hoàng Hà (t/h)