Doanh nghiệp bế tắc với các quy định đất đai, TP HCM mong muốn thí điểm nhiều cơ chế

Các doanh nghiệp bất động sản tại TP. HCM cho biết đang gặp nhiều bất cập trong việc thực hiện một số quy định trong Luật Đất đai 2013. Đồng thời chỉ ra những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo của Luật Đất đai với các văn bản pháp luật khác gây khó khăn và lãng phí cho các công ty bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), Luật Đất đai và nhiều Luật khác đang có nhiều bất cập. Điển hình như việc xác định tiền sử dụng đất. Một dự án cùng một công ty định giá đất, nhưng nếu dùng 2 phương pháp xác định giá đất sẽ ra 2 con số khác nhau, với chênh lệch gần 20%. Hay cùng một dự án mà 2 công ty định giá sẽ ra 2 mức giá khác nhau, với chênh lệch cũng gần 20%. Chính vì vậy nhiều địa phương không thuê được công ty định giá, cán bộ cũng không dám đề xuất tiền sử dụng đất để UBND tỉnh ra thông báo cho doanh nghiệp (DN), riêng TP. HCM đang vướng hàng trăm dự án không triển khai được.

Hiện quy định đấu thầu, đấu giá dự án phải có quy hoạch 1/500 do nhà nước lập đang gây bất lợi, lãng phí cho doanh nghiệp. Bởi đa số DN khi trúng đấu giá sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền của để điều chỉnh lại quy hoạch 1/500 cho đúng ý tưởng cũng như phù hợp với chủ trương phát triển dự án của DN. Ngoài ra, cần đánh giá xem Luật Đất đai có xung đột, chồng chéo lên các Luật khác hay không để điều chỉnh cho phù hợp. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Long.

dat-1666160664.jpg
TP HCM kiến nghị cho phép thành phố thí điểm các cơ chế, giải quyết các điểm nghẽn về đất đai của thành phố. (Nguồn ảnh: tiennguyen.vn)

Còn theo ông Nguyễn Toàn Thắng, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh, một số điều của Luật Đất đai đang mâu thuẫn với luật Đầu tư, Luật kinh doanh bất động sản. Cụ thể trong việc chuyển nhượng dự án, Luật đất đai quy định phải có sổ đỏ mới được chuyển nhượng nhưng Luật Kinh doanh BĐS quy định chỉ cần có quyết định giao đất, cho thuê đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính là được chuyển nhượng. Trong quy trình thủ tục cấp sổ đỏ cho căn hộ condotel, officetel, bất động sản du lịch.. dù đã có nghị định hướng dẫn nhưng do đây chưa phải là luật nên các địa phương không dám cấp sổ đỏ cho khách hàng. DN đề nghị cần sửa Luật Đất đai hoặc ban hành nghị định sớm để cấp được sổ đỏ cho các loại hình bất động sản này.

Ngày 18/10, đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có buổi làm việc với Thành ủy TP. HCM về một số nội dung cần tháo gỡ vướng mắc, hạn chế trong lĩnh vực đất đai, môi trường. Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. HCM đã nêu kiến nghị một số thí điểm các cơ chế chính sách như: Cho phép thành phố thí điểm các cơ chế, như: Xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn; Áp dụng bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi; Áp dụng tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B; Cho phép thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức thành Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Đức trực thuộc UBND TP Thủ Đức, trong đó được thực hiện chức năng, nhiệm vụ như Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh hiện nay.

Ngoài lĩnh vực đất đai, ông Phan Văn Mãi kiến nghị cho phép TP. HCM được phân cấp thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư có cấu phần xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định; thí điểm cho UBND các cấp được sử dụng hình ảnh vi phạm ghi nhận từ các thiết bị thu hình ảnh của cá nhân, tổ chức để xử phạt hành chính.

Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc tháo gỡ các vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thống nhất sẽ tạo điều kiện để xã hội phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn. Ông Nguyễn Văn Nên cho biết Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo bổ sung nội dung báo cáo Bộ Chính trị, cũng như đề xuất Chính phủ, Thủ tướng bộ khung cơ chế về các cơ chế, chính sách thí điểm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá nhiều cơ chế, chính sách về đất đai, môi trường mà TP. HCM kiến nghị thí điểm rất đúng, có cơ sở xác đáng.

Theo ông Trần Hồng Hà, trong 18 vấn đề vướng mắc của TP. HCM đã có 16 vấn đề được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Ông Hà cũng đề nghị TP. HCM phân công đầu mối chuẩn bị hồ sơ, tổng kết và hoàn thiện đề xuất để trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua.

Khánh Ngân