Tết lại tiếp Tết, Năm lại tiếp Năm với những bớt, thêm thật “đáng yêu”?

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”, là một đặc trưng ngắn gọn, xúc tích nhất về Tết Nhất - Tết Nguyên Đán của nước ta từ xa xưa. Và cận đại hơn trong câu thơ Chế Lan Viên: “Một cành đào ứa nhựa, nặng bàn tay anh cẩm. Em đưa tay ghé đỡ, cùng chia nhau mùa Xuân”…

Như vậy có thể nói vui Tết Nhất thời xưa và thời cận đại là 7 thứ: thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng với hoa đào hồng tươi thắm. Quê tôi lúc bấy giờ chưa thành quận Long Biên, mà vẫn thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, nhà nào cũng tự đun nấu, luộc lấy nồi bánh chưng. Vì có nồi bánh chưng, mới là có Tết.

tl-1673574961.jpg

Riêng nhà tôi chỉ có 3 người: Bà nội, mẹ tôi và tôi thì còn bé con; nên mẹ tôi mua lá dong về rửa sạch xong, buộc chặt vào 2 cột nhà ở ngoài hè để cho khô róc hết nước, rồi nhờ người bà con quen, đến gói bánh chưng hộ. Tôi chỉ biết ngồi xem thật thích thú và phụ giúp mẹ lúc vớt bánh đã rền ra khỏi nồi, mà vẫn nhớ như in kỷ niệm những năm xưa ấy đến tận bây giờ về những chiếc bánh chưng…

Trở lại thời nay, nhất là các gia đình ở thành phố thường đặt mua bánh chưng cho tiện. Các nhà thành phố cũng như nông thôn, đã bớt thịt mỡ. Nhưng thêm vào là thịt ba chỉ (thịt ba rọi, gọi tắt là thịt rọi). Và triệt tiêu những tràng pháo bánh, pháo đùng, để bảo đảm an toàn vui Tết.

Còn hoa đào không chỉ là những cành đào ứa nhựa như “thời cố nhà Thơ Chế Lan Viên”; mà còn là những chậu hoa đào cỡ bự, được “ngự” thích hợp trong khá nhiều biệt thự tư gia. Ngoài ra, còn có hoa mai và quất cũng đặc trưng phổ biến trong ngày Tết Nhất. Đặc biệt, ở Việt Nam đã ngày càng coi trọng thêm Tết dương lịch (Tết Tây). Đơn cử đầu năm mới (dương lịch) 2023, chúng ta có bắn cả pháo hoa, cùng với đông đúc nhân dân nô nức “đổ ra đường” để đón Giao thừa (dương lịch) tại 1 số nơi, thành phố…

Khiến tôi nhớ lại cách đây không lâu - khi làm việc với chuyên gia Nhật Bản, có lúc giải lao nghỉ ăn trưa, tôi hỏi chuyện (chuyên gia): Ở Nhật là “nước Mặt Trời mọc” có ăn Tết theo lịch Mặt Trăng (âm lịch) như Việt Nam không? Chuyên gia Nhật trả lời: Nước chúng tôi đã bỏ - không dùng lịch Mặt Trăng từ lâu rồi, mà chỉ dùng 1 lịch Mặt Trời. Và chỉ ăn Tết Dương lịch.

Nước Nhật với nhiều nước khác trên Thế giới như vậy. Họ chỉ có Tết dương lịch. Nhưng tôi cho rằng nước ta đã và sẽ coi trọng Tết dương lịch. Đồng thời vẫn tôn trọng, không thể triệt tiêu lịch Mặt Trăng và Tết Nhất - Tết Nguyên Đán của Dân tộc. Bởi vì lịch Mặt Trăng có liên quan mật thiết đến Kinh Dịch phương Đông, đến khoa học Tâm linh, đến thời tiết, mùa vụ Nông nghiệp…

Ở Việt Nam, thí dụ cụ thể về thời tiết: Ngày Xuân phân (giữa mùa Xuân) năm nay là ngày 30 tháng 2 âm lịch. Nhưng nếu chỉ dùng 1 lịch dương, thì ngày Xuân phân là ngày 21/3 được sao? Thế nên, Tết dương lịch và Tết Nhất lại tiếp Tết dương lịch và Tết Nhất. Năm lại tiếp Năm với những đổi mới, bớt, thêm thật “đáng yêu” của chúng ta./.

Nguyễn Thành Lập