Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng cường sản lượng dầu khí để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và tăng tiếp cận của các nguồn năng lượng đa dạng, bền vững trong hệ thống năng lượng quốc gia. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trong ngành năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí và than ở Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
an-ninh-nang-luong-quoc-gia-04-1715759574.jpg
Giai đoạn 2021-2025 EVN phải hoàn thành, đưa vào vận hành 225 công trình lưới điện truyền tải 500-220 kV với tổng chiều dài khoảng 10.500 km. (Ảnh minh họa)

An ninh năng lượng quốc gia là nền tảng và tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội

Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng và tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, cùng với Kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), ngày 2/4/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 270/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.

Quyết định này nhấn mạnh tới 5 dự án thủy điện có quy mô từ 200 MW đến 1.200 MW được triển khai, đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2030 (gồm 03 dự án mở rộng và 02 dự án thủy điện tích năng) có tổng công suất 3.440 MW).

Ngày 26/4/2024, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành quyết định số 345/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm - giai đoạn 2021-2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, EVN phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021- 2025 khoảng 7%/năm (tăng trưởng điện thương phẩm các năm 2022-2025 khoảng 7,82%/năm) và chuẩn bị phương án để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cao hơn.

Quyết định 345 cũng chỉ rõ các dự án phát triển nguồn điện EVN phải khởi công và đưa vào vận hành trong giai đoạn này. Có thể, kể đến như việc khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất khoảng 3.800MW, trong đó phải đưa vào vận hành 4 dự án - với công suất khoảng 1.000MW (khởi công gồm 3.643 MW và 150 MWp: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, thủy điện Ialy mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bác Ái và điện Mặt Trời Phước Thái 2, 3; Đưa vào vận hành 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 840 MW và 150 MWp là Thủy điện Hòa Bình mở rộng, thủy điện Ialy mở rộng và điện Mặt Trời Phước Thái 2, 3)…

Trong lĩnh vực đầu tư phát triển lưới điện, giai đoạn 2021-2025 EVN phải hoàn thành, đưa vào vận hành 225 công trình lưới điện truyền tải 500-220 kV với tổng chiều dài khoảng 10.500 km, trong đó tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành công trình trọng điểm đường dây 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trong năm 2024…

Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (giai đoạn 2021-2025) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo Quyết định 345/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 479.000 tỷ đồng.

an-ninh-nang-luong-quoc-gia-01-1715759650.jpg
Dự trữ xăng dầu đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. (Ảnh: Vietnam+)

Tại tọa đàm “Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng” được tổ chức ngày cuối tháng 4/2024, ông Trần Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương đã xác định tầm qua trọng của việc phối hợp tổng thể giữa các Bộ, ngành cùng Ban Chỉ đạo Nhà nước trong việc quản lý, định hướng đẩy nhanh các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng giúp đạt hiệu quả cao.

Theo ông Trần Thanh Tùng, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng cường sản lượng dầu khí để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và tăng tiếp cận của các nguồn năng lượng đa dạng, bền vững trong hệ thống năng lượng quốc gia. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trong ngành năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí và than ở Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.

Để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có định hướng phát triển các dự án trọng điểm nhanh và bền, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn.

Bên cạnh đó, Quyết định cũng xác định các danh mục dự án cụ thể, tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 270/QĐ-TTg về phê duyệt Danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng. Đây là một trong những văn bản quan trọng, định hình chiến lược và hướng đi của Việt Nam trong việc phát triển ngành năng lượng.

Tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án năng lượng

Tuy nhiên, các dự án trọng điểm cũng đối mặt với nhiều thách thức, đại diện lãnh đạo Vụ Dầu khí và Than cho biết, các dự án đều triển khai theo dạng chuỗi dự án với nhiều chủ đầu tư khác nhau của các dự án thành phần. Do đó đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình triển khai chuỗi dự án là một thách thức không nhỏ.

Bên cạnh đó, quy mô vốn của các dự án thường rất lớn, phải sử dụng nguồn vốn vay thương mại của nước ngoài, trong bối cảnh các định chế tài chính trên thế giới đang cắt giảm hoặc đòi hỏi các điều kiện vay ngặt nghèo hơn đối với các dự án có sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, tạo ra áp lực lớn đối với việc thu xếp vốn cho các dự án này. Thêm khó khăn nữa là chưa có cơ chế thực sự hấp dẫn để thúc đẩy quá trình đầu tư các dự án (đặc biệt đối với các dự án điện sử dụng khí LNG nhập khẩu).

Trước những thách thức và vướng mắc trong quá trình triển khai dự án năng lượng trọng điểm, Vụ Dầu khí và Than đã chủ động tham mưu, đề xuất biện pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ như thiết lập chính sách thuận lợi, cơ chế khuyến khích đầu tư, giảm thiểu rủi ro và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án năng lượng.

Đồng thời, xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan. Tích cực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật, quản lý dự án, môi trường để nâng cao khả năng triển khai và quản lý dự án.

Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng trọng điểm để bảo đảm an ninh năng lượng đã trở thành một trong những nhiệm vụ và mục tiêu chủ đạo trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự đầu tư, phát triển cả trong lĩnh vực khai thác nguồn năng lượng truyền thống và trong việc thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng sạch tái tạo.

an-ninh-nang-luong-quoc-gia-03-1715759594.jpg
Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng và tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội.

Để đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp duy trì liên tục, ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng của đất nước. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển các dự án năng lượng trong nước giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ bên ngoài, tránh được những rủi ro từ biến động giá cả và tình hình chính trị quốc tế, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước trong thời gian tới.

Theo Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Võ Trí Thành, để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án năng lượng trọng điểm rất cần sự đột phá về cách thể hiện, đột phá về cơ chế chính sách... cùng đó là sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà quản lý cũng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của các doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào các dự án năng lượng tại Việt Nam. Kể cả các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm quốc tế lớn cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hệ thống pháp luật của Việt Nam, nhất là những hệ thống về kỹ thuật và kinh tế liên quan đến quá trình đầu tư, triển khai dự án và vận hành… Và đặc biệt là phải quán triệt quan điểm “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”./.

Trọng Bình