Cơ hội để Việt Nam đổi mới cách tiếp cận trong sản xuất lúa phát thải thấp

Việt Nam đã đi trước các quốc gia khác trong hoạt động sản xuất lúa giảm phát thải với dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Do đó, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tham gia chương trình mới, cách tiếp cận đa mặt để chia sẻ kiến thức đa nền tảng do MPA tạo ra.

Trên đây là một trong những nhận định của ông Paavo Eliste, Trưởng nhóm Thực hành Nông nghiệp khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới) trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan vào ngày 14/5.

nong-nghiep-giam-phat-thai-01-1715745572.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Paavo Eliste, Trưởng nhóm Thực hành Nông nghiệp khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới).

Khu vực Đông Á đang quan tâm về chương trình sản xuất lúa giảm phát thải tại Việt Nam

Tại buổi làm việc, chia sẻ về kết quả làm việc của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) và Bộ NN&PTNT trong tuần qua, ông Paavo Eliste cho biết, hai bên đã thảo luận chi tiết để thúc đẩy quá trình chuẩn bị Đề xuất dự án (PIN) nhằm trình lên Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF). Theo đó, đây là một cột mốc quan trọng, là cơ sở để các quốc gia, các nhà tài trợ TCAF đẩy mạnh các bước tiếp theo.

Bên cạnh đó, WB đã có những chuẩn bị tích cực cho khoản vay của Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Eliste cho rằng có nhiều bên tại khu vực Đông Á đang quan tâm về chương trình sản xuất lúa giảm phát thải. Một số quốc gia đang bắt đầu triển khai đầu tư các công trình để sản xuất lúa giảm phát thải. Bên cạnh đó, một số quốc gia khác như Indonesia, Philippines đang quan tâm học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam để thực hiện chương trình này.

Cụ thể, WB đang quan tâm và xây dựng một chương trình mang tính khu vực có tên Chương trình Cách tiếp cận đa giai đoạn (Multi-phase approach - MPA) để khuyến khích các quốc gia khách hàng đầu tư vào sản xuất lúa giảm phát thải.

“Là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sản xuất lúa giảm phát thải, Việt Nam có cơ hội lớn để tiếp cận nhiều lợi ích từ chương trình này thông qua khẳng định vai trò của mình”, ông Eliste cho biết.

nong-nghiep-giam-phat-thai-02-1715745602.jpg
ĐBSCL là 1 trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu lại là quốc gia đầu tiên sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính. (Ảnh minh họa)

Việt Nam đã đi trước các quốc gia khác trong hoạt động sản xuất lúa giảm phát thải với dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Do đó, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tham gia chương trình mới, cách tiếp cận đa mặt để chia sẻ kiến thức đa nền tảng do MPA tạo ra. Ngoài ra, Việt Nam có cơ hội phối hợp với các tổ chức quốc tế như IRRI, ASEAN để chia sẻ các kinh nghiệm từ nhiều năm qua và học hỏi từ các quốc gia khác trong lĩnh vực này.

Theo đại diện WB, khi tham gia MPA, Việt Nam sẽ nhận được hỗ trợ kỹ thuật, tiếp cận những khoản viện trợ không hoàn lại và tín dụng carbon ưu đãi mà các nhà tài trợ cung cấp thông qua chương trình. WB đã có kinh nghiệm về cách tiếp cận MPA tại các quốc gia khác, trong đó WB có thể huy động 20% vốn viện trợ không hoàn lại thuộc khuôn khổ chương trình cho các nước tham gia, thời hạn 1 năm.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến tín chỉ carbon và tăng trưởng xanh

Phản hồi ý kiến của Trưởng nhóm Thực hành Nông nghiệp khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (WB), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá đây là một cách tiếp cận mới. Trong lĩnh vực sản xuất lúa giảm phát thải, Việt Nam có những thuận lợi khi triển khai đề án 1 triệu ha lúa sau dự án VnSAT. Việc người dân trong dự án đã có tư duy chuyển đổi là một lợi thế và háo hức với đề án mới.

Bộ đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát triển hệ thống khuyến nông cộng đồng và nâng cao năng lực HTX, nông dân “hấp thụ” các vấn đề liên quan đến đề án 1 triệu ha lúa.

Từ dự án VnSAT, Bộ NN&PTNT sẽ đánh giá những rủi ro và tiến đến quản trị rủi ro để hạn chế ở mức thấp nhất những xung đột trong dự án, gây khó khăn cho cách triển khai thực hiện của Bộ NN-PTNT và nguồn tài trợ của WB.

nong-nghiep-giam-phat-thai-03-1715745550.jpg
Bộ NN&TNT sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề thể chế của Việt Nam liên quan đến tín chỉ carbon và tăng trưởng xanh. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề thể chế của Việt Nam liên quan đến tín chỉ carbon và tăng trưởng xanh.

Bộ đã thành lập Văn phòng điều phối chương trình 1 triệu ha lúa, với những mô hình để có sự so sánh, giúp người dân hiểu được lợi ích và những quy trình bắt buộc đối khi canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo đề án. Ngoài sự cam kết tham gia của khu vực tư nhân, lãnh đạo Bộ NN&PTNT mong muốn phía WB tiếp tục hỗ trợ để những mô hình được xây dựng hiệu quả, trở thành chỉ dấu cho mọi nông dân trong vùng.

“Chúng ta nói nhiều về các vấn đề quy trình, kỹ thuật, lợi ích, công cụ Đo đạc, Báo cáo và Thẩm tra (MRV) nhưng cần phải trả lời cho những câu hỏi đơn giản của người nông dân như việc thực hiện có khó không, phát sinh chi phí không, có thị trường cho loại gạo này không?”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trăn trở.

Do vậy, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu xây dựng bộ truyền thông để người dân tham gia hiểu, tự nguyện tham gia. Ngoài ra, Bộ cũng đã đề xuất gói hỗ trợ cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để tăng cường năng lực của đối tác tham gia vào đề án. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị chuyên gia phía WB lưu ý vấn đề này./.

Bình Nguyên