Bản Mạ và những nhịp cầu kết nối ước mơ

Bản Mạ dù nằm trong địa giới hành chính của trị trấn nhưng lại bị “chia cắt” bởi dòng sông Chu, nên ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Từ khi có cầu treo bắc qua đây, cuộc sống của bà con không chỉ được kết nối với thế giới bên ngoài, mà còn góp phần nâng cánh cho những hoài bão bay xa.
ban-ma-1-1715668643.jpg
Bản Mạ nằm sát sông Chu thuộc trị trấn Thường Xuân, Thanh Hóa.

Cách thành phố Thanh Hóa khoảng 60 km về phía Tây, Bản Mạ trước đây thuộc xã Xuân Cẩm, nay là thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa). Đây là nơi sinh sống của một nhóm người dân tộc Thái với nhiều nét văn hóa cổ còn được lưu giữ.

Bản Mạ nằm biệt lập bên dòng sông Chu, nên trước khi có cây cầu bắc qua sông, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là tự cung tự cấp, dựa vào cuốc nương làm rẫy để sinh sống. Phương tiện duy nhất để kết nối bản với thế giới bên ngoài là những chiếc thuyền, bè cũ kỹ được đan từ những cây tre, hay nhiều cây luồng ghép mà tạo nên.

Do ngăn cách bởi dòng sông nên việc học hành của trẻ em trong bản cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều đứa trẻ phải từ bỏ ước mơ đến trường vì sông ngăn cách trở. Không chỉ vậy, mỗi khi trong bản có ai ốm đau, bệnh tật cần đưa đi cấp cứu sẽ gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.

Nhịp cầu kết nối đôi bờ

Từ năm 2016, cây cầu treo bắc qua sông Chu được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã đưa đời sống của người dân nơi đây "sang trang mới". Sau khi có cầu treo bắc qua sông Chu, người dân bản Mạ đã thuận lợi trong giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế. Cũng từ đấy, con đường đến trường của những đứa trẻ trở nên thuận tiện hơn.

Ông Vi Văn Luyến, trú tại bản Mạ chia sẻ: “Ngày trước khi chưa có cầu, đời sống bà con chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là việc đi lại, học tập của các cháu nhỏ. Từ khi có cây cầu treo bắc qua đây, bà con chúng tôi vui mừng lắm, việc buôn bán giao thương thuận lợi hơn, các cháu đến trường cũng rất thuận lợi”.

ban-ma-2-1715668779.jpg
Năm 2016, cầu treo bắc qua sông Chu được đưa vào sử dụng, đưa bản Mạ bước sang trang mới

Tận dụng thế mạnh về du lịch, từ khi có cây cầu bắc qua đây, bản Mạ đã thay da đổi thịt từng ngày. Tại đây, những nếp nhà sàn của đồng bào Thái uốn lượn, quanh năm soi bóng dưới dòng sông Chu, với nhiều nét văn hóa cổ xưa còn được lưu giữ, là điều kiện thuận lợi để nơi đây khai thác và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Hiện nay, bản Mạ có 57 hộ dân và 4 điểm kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng. Do du lịch ở bản Mạ ngày càng phát triển nên người dân đã đẩy mạnh chăn nuôi gà, vịt, lợn cỏ và trồng các loại cây, rau, củ, quả để bán cho các điểm du lịch nên đời sống kinh tế đã có nhiều thay đổi.

Với những tiềm năng thiên nhiên, văn hóa độc đáo hiện có, huyện Thường Xuân đã tập trung xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng tại bản Mạ để thu hút khách du lịch. Trong Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, bản Mạ được xác định là một trong những điểm đến du lịch cộng đồng nổi bật của huyện.

Theo đó, hạ tầng trong thôn được bê tông hóa sạch sẽ, giúp cho việc đi lại được thuận tiện; 100% các gia đình trong thôn đều có điện nước đầy đủ, hợp vệ sinh; sóng điện thoại, mạng internet cơ bản được phủ khắp... Một số hộ gia đình được chọn đầu tư thành nơi đón tiếp những khách đoàn đông.

ban-ma-3-1715668847.jpg
Lễ cúng cơm mới của bà con bản Mạ được tổ chức trang trọng

Là một trong số những hộ gia đình đầu tiên trong bản Mạ làm du lịch cộng đồng, anh Lữ Văn Tính, chủ Homestay ẩm thực Tính Tuyến chia sẻ: “Việc phát triển du lịch cộng đồng đã khiến cho cuộc sống gia đình tôi thay đổi nhiều. Ngoài việc lo trồng trọt tạo ra của cải phục vụ du khách ra, những người trong bản đều phải học văn hóa ứng xử, học tập các làm du lịch của các khác, từ đó làm mới chính mình tạo không khí vui tươi thoải mái cho du khách mỗi khi đặt chân đến nơi đây”.

Ngoài ra, để đa dạng các sản phẩm du lịch, trên bản cũng hình thành các đội văn nghệ quần chúng. Qua đó, từng bước khôi phục lại những điệu xòe, nhảy sạp, hát khặp của người Thái cổ, gìn giữ và bảo tồn những giá trị vật chất hiện có.

Chị Vi Thị Phương, thành viên của đội văn nghệ bản Mạ thường xuyên biểu diễn cho du khách, chia sẻ: “Hằng ngày, chị cùng phụ nữ trong bản vẫn lên nương đi cấy, tối đến, chị em lại trang điểm thật đẹp, diện những trang phục người Thái để trình diễn văn nghệ phục vụ du khách. Hồi đầu, ai cũng ngại và lúng túng, nhưng giờ đây chúng tôi đã rất tự tin và vui, vì đã góp phần giới thiệu văn hóa đặc sắc của người Thái với du khách thập phương”.

Cây cầu của hiện đại mang nét đẹp quá khứ

Cầu treo bắc qua đây không chỉ giúp cho bà con trong bản được kết nối với thế giới bên ngoài, đẩy mạnh giao thương, mà nó còn là nơi để đưa du khách trở về với thủa “hoang sơ” qua những nếp nhà sàn đơn sơ và những nét văn hóa cổ của đồng bào nơi đây còn được lưu giữ.

Nếu trên địa bàn huyện Thường Xuân, đồng bào Thái chiếm số lượng dân số lớn, thì bản Mạ chính là một bản người Thái đặc trưng với 100% người dân tộc Thái. Nơi đây, có sự quần cư của 57 hộ gia đình với trên 250 nhân khẩu. Noi theo kinh nghiệm của cha ông, người Thái ở bản Mạ khi lập bản làng đã nương theo các con sông, con suối nhằm thuận tiện cho việc canh tác, sản xuất nông nghiệp và đánh bắt tôm, cá.

Đứng ở bên này sông nhìn sang, bản Mạ hiện lên như một bức tranh sơn thủy khi nằm ngay sát bờ sông Chu hiền hòa. Sau lưng là những ngọn núi lô nhô cùng những thảm rừng xanh thẳm. Đến với bản Mạ, du khách sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp nguyên sơ và bình dị, gắn với những sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.

ban-ma-4-1715668956.jpg
Để phục vụ du khách, những nét văn hóa cổ xưa của đồng bào người Thái khư khua lóong, hát khặp...đã được khôi phục

Là một bản người Thái đặc trưng, bởi vậy đến bản Mạ du khách không chỉ được đắm say trong cảnh sắc thiên nhiên mà còn mải mê tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào Thái nơi đây. Từ chuyện gieo trồng, ẩm thực đến đời sống văn hóa tinh thần... Trong quan niệm của người Thái nói chung, người Thái ở bản Mạ nói riêng luôn tin rằng “vạn vật hữu linh”. Hiểu điều đó, sẽ không ngạc nhiên khi ta thấy người dân thờ “hòn đá”, mời con trâu, cái cày cùng ăn cỗ ngày tết... Mọi công việc quan trọng của bản làng đều phải “xin phép” thần linh.

Hiện bản có hơn 30 ngôi nhà sàn cổ đang được bảo tồn và gìn giữ, cùng với nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm, đan lát... Bản Mạ mang vẻ đẹp nguyên sơ đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Đặc biệt, nhiều hộ dân trước đây chỉ biết làm ruộng, nay đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các homestay, khu dịch vụ du lịch, một số hộ dân trong bản cũng đã nhanh chóng tiếp cận với định hướng, nhu cầu thị trường, tham gia các lớp đào tạo về du lịch cộng đồng để xây dựng mô hình homestay, qua đó đã thu hút được du khách trong và ngoài tỉnh, giúp Bản Mạ, trở nên sinh động và phát triển nhanh chóng.

Chị Lê Thị Lan Anh, du khách từ Hà Nội chia sẻ: “Bản Mạ là nơi du lịch trải nghiệm lý tưởng. Đến đây, chúng tôi được hòa mình cùng thiên nhiên, thưởng thức những món ăn độc đáo của người bản địa. Đặc biệt là sự phục vụ nhiệt tình của người dân khiến những du khách như tôi rất hài lòng”.

Bản Mạ dù phát triển muộn hơn so với các điểm du lịch sinh thái cộng đồng trong và ngoài tỉnh. So với sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền các cấp, cùng với sự nỗi lực “làm mới” của bà con đã từng bước biến nơi đây thành điểm  du lịch trải nghiệm mang nét cổ xưa ở vùng đất Châu Thường./.

Hà Khải