Ra quân chương trình trí thức khoa học trẻ tình nguyện TP. Hồ Chí Minh lần thứ 14

Thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thành phố năm 2023 với chủ đề “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là trí thức trẻ, nhà khoa học trẻ trong tham gia xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, lễ ra quân chương trình trí thức khoa học trẻ tình nguyện TP. Hồ Chí Minh lần 14 năm 2023 đã diễn ra ngày 26/2/2023.

Chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện năm 2023 diễn ra từ tháng 2/2023 đến tháng 12/2023 bao gồm nhiều nội dung hoạt động, trong đó lấy trí thức trẻ tiên phong đẩy mạnh nghiên cứu, phổ biến và hướng dẫn chuyển đổi số trong cộng đồng toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm gồm: Hoạt động nghiên cứu về chuyển đổi số: Trong đó, thành lập các nhóm nghiên cứu có chuyên môn từ thành viên Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ TP. Hồ Chí Minh, các nhà khoa học trẻ tại các trường Cao đẳng, Đại học, Học viện trong Thành phố nghiên cứu về chuyển đổi số theo từng lĩnh vực như chuyển đổi số trong cải cách hành chính, xã hội số, thương mại điện tử, chuyển đổi số trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường, an ninh mạng, các phần mềm hỗ trợ chuyển đổi số cả trong nước và quốc tế, xây dựng thành các bộ cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số; Tổ chức đánh giá tác động của chuyển đổi số đến xã hội để có các giải pháp giảm thiểu mặt tiêu cực, phát triển mặt tích cực thành một báo cáo tổng kết.

1-1677485947.jpg
2-1677485957.jpg
Lễ ra quân chương trình trí thức khoa học trẻ tình nguyện TP. Hồ Chí Minh lần thứ 14 năm 2023 được tổ chức ngày 26/2 vừa qua.

Bên cạnh đó, hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số trong cải cách hành chính là: Tập huấn 15 chuyên đề chuyển đổi số trong công tác Đoàn cho đoàn viên, thanh niên và sinh viên; Tập huấn 5 chuyên đề về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, thanh niên và đoàn viên; Xây dựng các đội hình thường trực hỗ trợ các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố trong công tác số hóa dữ liệu.

Nội dung hoạt động phát triển kinh tế số đó là: Tổ chức tập huấn 5 chuyên đề về xây dựng sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số, thương mại điện tử cho người dân tại năm huyện ngoại thành thành phố; Tổ chức giới thiệu, học tập và hướng dẫn sử dụng các thiết bị, phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số trong canh tác nông nghiệp như: tự động hóa quá trình sản xuất, mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chuỗi cung ứng sản phẩm, các phần mềm chia sẻ dữ liệu về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân chủ động trong hoạt động sản xuất, hướng tới mô hình “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”; Tổ chức tập huấn các chuyên đề thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện mã thông tin tài khoản cho hộ dân kinh doanh.

Hoạt động phát triển xã hội số với trọng tâm: Xây dựng một đội hình thường trực tiến hành tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho các tổ chuyển số tại cơ sở. Các tổ chuyển đổi số tại cơ sở tiếp tục đào tạo lại cho người dân, trở thành lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số của thành phố; Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở (MOOCS) cho người dân, giới thiệu các ứng dụng công nghệ số như: hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP (Enterprise Resource Planning), hệ thống văn phòng điện tử E-office, Online office, thương mại điện tử Voso.vn, hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ thông minh VAIPE, giải pháp nền tảng quản trị 1Office; Tổ chức tập huấn chuyên đề về xây dựng thương hiệu cá nhân, về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả; về phòng chống tội phạm công nghệ cao cho đoàn viên, thanh niên và người dân; Số hóa các địa điểm di tích cách mạng, di tích lịch sử - văn hóa của các quận, huyện trong thành phố trở thành các bảo tàng số phục vụ quá trình học tập, tìm hiểu về lịch sử địa phương.

Cùng với đó, trí thức trẻ tích cực tham gia hỗ trợ một số địa phương phát triển kinh tế - xã hội: Tổ chức các hoạt động tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp cho cán bộ, chiến sĩ, người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; Triển khai mô hình ánh sáng vùng biên, xây dựng mô hình tuyến đường “Sáng - Xanh - An toàn”, trao tặng đèn năng lượng mặt trời cho các khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện sử dụng điện lưới; Tổ chức hành trình Caravan tập hợp 250 trí thức trẻ tham gia; Xây dựng 6 đội hình trí thức trẻ tình nguyện: Đội hình cải cách hành chính; Đội hình chuyển đổi số; Đội hình tư vấn phát triển nông nghiệp; Đội hình phát triển giáo dục; Đội hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe và Đội hình Chuyến xe công nghệ, sân chơi khoa học vui thu hút hơn 50 trí thức trẻ có chuyên môn, kỹ năng cao tham gia hỗ trợ địa phương.

Ông Đoàn Kim Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Với đặt thù là đô thị lớn nhất cả nước, TP. Hồ Chí Minh có một lực lượng trí thức trẻ đông về số lượng, mạnh về chuyên môn và nhiệt huyết trong công tác tình nguyện. Từ thực tiễn đó, năm 2010 Ban thường vụ Thành Đoàn đã triển khai chương trình trí thức khoa học trẻ tình nguyện nhằm tập hợp và phát huy đội ngũ trí thức trẻ của thành phố. Qua hơn 10 năm tổ chức, chương trình đã tập hợp được hàng ngàn trí thức trẻ tham gia các hoạt động tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cữu Long, miền Đông Nam Bộ và miền Trung Tây Nguyên”.

Được biết, đây là chuỗi các hoạt động tình nguyện ý nghĩa của Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh) trong việc phát huy tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ thành phố, góp sức trước những vấn đề sức khỏe cộng đồng đang được quan tâm thời điểm hiện tại cũng như góp phần vào công cuộc phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Đạm Quang Lê