Nông nghiệp minh bạch giữ chân người tiêu dùng

Theo Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), người tiêu dùng mong muốn hàng Việt cần minh bạch, rõ ràng trong nhãn mác, thông tin về sản phẩm, hướng tới áp dụng các phương án truy xuất hiện đại, các loại bao bì cần đa dạng, thân thiện với môi trường… Có như vậy, hàng Việt mới không bị “quay lưng” ở trên sân nhà, trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa ngày càng sâu, rộng.

Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam bắt đầu hành trình thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp và bước đầu đã thay đổi nhận thức của nông dân, doanh nghiệp và xã hội. Những mục tiêu “Xanh”, “Minh bạch – Trách nhiệm – Bền vững” đã được cụ thể hóa vào Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, xu thế thị trường cũng thay đổi nhanh chóng, ngoài yêu cầu về chất lượng còn phải truy xuất được nguồn gốc, quy trình sản xuất không làm tổn thương môi trường, tác động đến biến đổi khí hậu gây ra hiệu ứng nhà kính. Do đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp cần thể hiện trách nhiệm xã hội, ngoài lợi nhuận, doanh nghiệp còn đem lại thịnh vượng cho đất nước thông qua đóng góp cho tăng trưởng ngành nông nghiệp và thu nhập của hàng chục triệu hộ nông dân.

Tuy nhiên, vừa qua truyền thông đưa tin phản ánh tình trạng thực phẩm “phù phép” nhãn VietGap và nguồn gốc xuất xứ để vào một số hệ thống bán lẻ, khiến công luận bức xúc, người tiêu dùng mất niềm tin và tác động không nhỏ đến những doanh nghiệp thực phẩm nghiêm túc.

toa-dam-1665540348.jpg
Tọa đàm “Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối – thương mại thực phẩm” sẽ diễn ra vào ngày 13/10/2022.

Để góp phần thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm tại mắt xích quan trọng này, Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) và Câu lạc bộ Phóng viên Kinh tế Nông nghiệp tại TP.HCM đồng tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối – thương mại thực phẩm” vào sáng ngày 13/10.

Theo Ban tổ chức, tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm và những bất cập trong việc kiểm soát chuỗi liên kết từ sản xuất tới bàn ăn mà việc kiểm soát đầu vào tại các đơn vị phân phối – thương mại thực phẩm đóng vai trò quan trọng. Cuộc tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy chuỗi thực phẩm tiến nhanh đến minh bạch & trách nhiệm, cũng như góp phần làm rõ vai trò của các bên liên quan, từ quản lý nhà nước đến người sản xuất, đơn vị vận chuyển, phân phối, thương mại thực phẩm và người tiêu dùng.

Đồng thời, thông qua tọa đàm “Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối – thương mại thực phẩm”, Ban tổ chức mong muốn gửi trao thông điệp đến cộng đồng: "Kinh doanh ngày nay không chỉ là chuyện bán chuyện mua sản phẩm, mà còn là sự tôn trọng, uy tín, niềm tin dành cho nhau giữa người bán và người mua, giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Qua đó, tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp chất lượng, an toàn, minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp đa giá trị, an toàn, bền vững, hiệu quả cả về kinh tế – xã hội và môi trường".

Hương Lan