Doanh nghiệp thực phẩm cần xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững

Thị trường nguyên liệu thực phẩm Việt Nam vài năm trở lại đây tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, để tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, nhiều doanh nghiệp loay hoay tìm phương án xây dựng nguồn nguyên liệu tự chủ.

90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, lý do vì sao?

Số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh trong 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành lương thực thực phẩm tăng 11,9%.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, 8 tháng vừa qua, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đang dần phục hồi trở lại. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp trong ngành này đã linh hoạt chuyển hướng về thị trường nội địa và khai thác khá tốt thị trường này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm hiện nay là nguồn cung nguyên liệu. Mặc dù Việt Nam có nguồn nguyên liệu thực phẩm dồi dào nhưng các doanh nghiệp chế biến vẫn phải nhập đến 90%.

Mỗi năm, các doanh nghiệp trong nước phải chi nhiều tỷ USD cho nhập khẩu nguyên liệu. Điều này khiến cho giá bán sản phẩm thực phẩm Việt rất khó cạnh tranh với các quốc gia có sản phẩm tương tự và mất lợi thế ngay trên “sân nhà”.

apt-4-1664861089.jpg
Mỗi năm, các doanh nghiệp trong nước phải chi nhiều tỷ USD cho nhập khẩu nguyên liệu.

Số liệu thống kê từ Hải quan cho thấy, tính đến giữa tháng 9/2022, Việt Nam đã chi hơn 13,2 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng thủy sản, rau quả, nguyên phụ liệu chế biến thực phẩm. Trong đó, nhiều nhất là các mặt hàng ngô, hạt điều, thủy sản, rau quả….

Lý giải nguyên nhân, ông Lê Nguyễn Đoan Duy, Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn Nguyên Liệu Á Châu cho biết, hiện nay, nông sản của Việt Nam còn khá manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết bền vững. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến.

“Công ty muốn xây dựng nhà máy chế biến công suất 100.000 tấn thì nguyên liệu đầu vào ít nhất cũng phải 200.000 – 300.000 tấn. Tuy nhiên, để đảm bảo được khối lượng nguyên liệu đầu vào này không dễ do các vùng nguyên liệu không đáp ứng được”, ông Duy dẫn chứng

Xây dựng nguồn liệu tự chủ, bền vững

Đứng trước những thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp phải cắt giảm tối đa chi phí, áp dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường nhập khẩu. Đầu tư nguồn nguyên liệu từ nội địa cũng là giải pháp được các doanh nghiệp hướng đến.

Theo ông Duy, doanh nghiệp đang xây dựng những vùng nguyên liệu riêng, tạo ra những nguyên liệu đầu vào để cung cấp cho hoạt động sản xuất chế biến trong nước và xuất khẩu như các sản phẩm đường từ tinh bột sắn, sữa bột nguyên kêm… đây là những nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất bánh kẹo…

“Hiện tại, doanh nghiệp đang xây dựng những vùng nguyên liệu riêng, ví dụ như vùng nguyên liệu về dừa, hay là vùng nguyên liệu sắn ở ngoài Nghệ An. Thông qua những vùng nguyên liệu này, doanh nghiệp sẽ kiểm soát và đảm bảo chất lượng đầu vào, đồng thời dần tự chủ nguồn cung nguyên liệu”, ông Duy nói thêm.

Còn theo nhiều doanh nghiệp trong ngành, Việt Nam có nguồn nông sản phong phú, nếu các doanh nghiệp Việt kết hợp với sự đầu tư của các công ty chế biến nguyên liệu thực phẩm sẽ có cơ hội để tăng thêm giá trị cho nông sản. Điều này cũng đòi hỏi việc mở rộng quy mô sản xuất, với mức độ kiểm soát vệ sinh cao hơn tiêu chuẩn quốc tế và tiếp thị chuyên nghiệp.

Đồng quan điểm trên, theo ông Phạm Ngọc Hưng, với những biến động về chuỗi cung ứng nguyên liệu trên thế giới, hiện một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã hướng đến sản xuất nguyên liệu thực phẩm trong nước, tận dụng nguồn tài nguyên nông sản sẵn có.

“Hy vọng thời gian tới xu hướng mới trong lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh. Bởi vì ngành nguyên liệu thực phẩm được xem như ngành công nghiệp phụ trợ và Chính phủ rất ủng hộ. Trước những biến động, nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, khủng hoảng năng lượng… Các công ty thực phẩm rất muốn có nguồn cung ổn định, nhất là cần có sự chủ động về nguồn nguyên liệu ngay tại Việt Nam”, ông Hưng chia sẻ.

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp có nguồn lực xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững, về phía nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ đi sâu, đi sát với người nông dân. Đồng thời, xây dựng những đầu mối liên kết, để người nông dân thấy được giá trị gia tăng của việc cung cấp cho những doanh nghiệp chế biến để sản xuất ra các nguyên liệu, từ đó đảm bảo cho sự phát triển bền vững cho cả một vùng.

An Bình - Hân Ly