Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 10.675 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm; 14 siêu thị, trung tâm thương mại kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm; 107 chợ phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã chủ động tham mưu tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai các hoạt động chuyên môn về an toàn thực phẩm. Tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương triển khai mạnh mẽ các hoạt động thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm, qua đó, phổ biến kiến thức, các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý an toàn thực phẩm từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở; nâng cao chất lượng công tác quản lý chất lượng sản phẩm; công tác giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm; chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, quản lý chợ an toàn thực phẩm. Đến nay, số cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP/ký bản cam kết đảm bảo ATTP đạt 96,3%.
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập 431 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành; kiểm tra 2.145 cơ sở; ban hành 11 quyết định xử lý, xử phạt với tổng số tiền 86 triệu đồng. Công tác giám sát mối nguy và phòng chống ngộ độc thực phẩm được triển khai thường xuyên. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. Công tác giám sát hậu kiểm được triển khai tích cực; Ban đã tiến hành lấy 53 mẫu sản phẩm thực phẩm của 18 cơ sở để thực hiện kiểm nghiệm sau công bố và tự công bố, trong đó đạt 50 mẫu, 03 mẫu đang chờ kết quả kiểm nghiệm.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn liên quan đến tổ chức bộ máy, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ rất lớn gây khó khăn trong công tác quản lý... Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đề nghị Đoàn công tác tham mưu các Bộ, ngành TƯ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép kết thúc thí điểm và chính thức thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm; sửa đổi, bổ sung hoặc có hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh hoặc cơ quan chuyên ngành quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc UBND tỉnh…
Đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh trong thời gian qua. Mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã tạo ra sự thống nhất, đồng bộ một đầu mối trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Việc kết hợp quản lý an toàn thực phẩm từ 03 Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương đã làm tăng hiệu quả xử lý công việc, giảm chồng chéo, phiền hà cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều ngành khi chỉ còn một đầu mối. Do đó, hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được nâng lên rõ rệt.
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, Đoàn tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh và đề nghị Ban tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với ngành Công thương, Quản lý thị trường trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thực phẩm có nguy cơ mất an toàn./.