Kỹ thuật đo đạc thẩm định lượng phát thải trong sản xuất lúa gắn với tăng trưởng xanh

Hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định các giải pháp giảm phát thải (MRV) trong sản xuất lúa có vai trò quan trọng là cơ sở để cấp tín chỉ các bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp. Hướng tới thị trường tín chỉ các bon trong và ngoài nước, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo.

Ngày 20/3, tại TP Cần Thơ, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo tham vấn về đo đạc - báo cáo - thẩm định các giải pháp giảm phát thải (MRV) trong sản xuất lúa.

Đây là hoạt động lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức quốc tế, chuyên gia về kế hoạch đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng phát thải theo Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao), do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì.

he-thong-do-luong-phat-thai-02-1710992483.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, tổ chức quốc tế về đo đạc - báo cáo - thẩm định các giải pháp giảm phát thải (MRV) trong sản xuất lúa.

Hỗ trợ áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp

Hệ thống MRV là các bước về mặt kỹ thuật và quy trình để đo đếm, báo cáo, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính. Đây là cơ sở để cấp tín chỉ các bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp. Hướng tới thị trường tín chỉ các bon trong và ngoài nước, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo.

Để xây dựng được khung kế hoạch phương pháp MRV, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã giao cho các đơn vị trực thuộc, trọng tâm là Viện Môi trường Nông nghiệp phối hợp với Cục Trồng trọt nghiên cứu, lập kế hoạch. Đồng thời, tham khảo ý kiến từ nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế. Từ đó, thống nhất quy tắc triển khai và tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện, trước khi làm việc chính thức với Quỹ Tài chính các bon chuyển đổi (TCAF).

Theo đó, các hoạt động giảm phát thải hợp lệ trong phương pháp MRV của Bộ NN&PTNT và TCAF dựa trên nhiều yếu tố: Thời vụ và các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa; lúa không ngập nước đến hơn 180 ngày hoặc dưới 180 ngày trước vụ; ngập nước đến hơn 30 ngày trước vụ; rút nước giữa vụ 1 lần, tưới ướt khô xen kẽ để rút nước nhiều lần; vùi rơm rạ tươi trong vòng 30 ngày trước vụ.

Dự kiến, tại cơ sở sẽ có các đội đo đạc báo cáo, phạm vị dưới 50ha/người. Đội có nhiệm vụ nhập thông tin ban đầu, các công nghệ áp dụng, đo đạc lượng phụ phẩm, giám định rút nước, mực nước, chụp ảnh… để nhập vào cơ sở dữ liệu với tần suất 2 ngày/lần.

he-thong-do-luong-phat-thai-01-1710992530.jpg
Hệ thống MRV là các bước về mặt kỹ thuật và quy trình để đo đếm, báo cáo, thẩm định lượng phát thải khí nhà kính. (Ảnh minh họa)

Tại cấp tỉnh sẽ thành lập đội MRV do Trung tâm Khuyến nông đảm nhận, có nhiệm vụ nhận thông tin từ MRV trung ương; lập kế hoạch MRV; phân công các nhóm và thành viên triển khai quan trắc và đo đạc, điều chỉnh, giám sát và phát hiện gian dối; xử lý số liệu và tổng hợp kết quả MRV và nhập vào hệ thống.

Tại Bộ NN&PTNT cũng sẽ lập ra đội MRV trung ương có nhiệm vụ nhận thông tin từ các địa phương; lập kế hoạch MRV; phân công các nhóm MRV làm việc; giám sát và quản lý chất lượng MRV; thu hồi kết quả MRV; triển khai đo đạc tham chiếu; xử lý số liệu, tính toán, so sánh để đưa ra mức giảm phát thải.

Theo khung kế hoạch triển khai phương pháp MRV này, trong giai đoạn 2024 - 2025, sẽ triển khai các hoạt động xác nhận rút nước, quan trắc mực nước, lấy mẫu phân tích, hiệu chỉnh mô hình, mô phỏng, tương quan ảnh vệ tinh với kết quả đo.

Đến giai đoạn 2026 - 2030, sẽ xử lý ảnh vệ tinh (xác nhận cạn/đo CH4), học máy, tính và xác nhận mức giảm phát thải, tiến đến xác nhận tín chỉ các bon.

Phương pháp MRV phải linh hoạt phát huy được hiệu quả của Đề án

Tại sự kiện lần này, nhiều tổ chức quốc tế đã giới thiệu các phương pháp MRV nổi bật được ứng dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điển hình là năng lực MRV cho lúa của Tổ chức Regrow hay các giải pháp MRV cho AWD (Công nghệ tiết kiệm nước tưới trên ruộng lúa mà không làm giảm năng suất) của Thanks Carbon’s.

Với các giải pháp trên đã tạo ra sự đa dạng về cách thức đo đạc MRV. Tuy nhiên, theo chuyên gia cao cấp từ Ngân hàng Thế giới (WB) - ông Cao Thăng Bình cần tạo sự đồng thuận, thống nhất về các tiêu chí khi triển khai trên diện rộng, để phát huy được hiệu quả của Đề án.

Ông Bình đánh giá, quá trình thực hiện đề án mang tính lâu dài, do đó không có gì bất biến, còn nhiều vấn đề phải tính toán. Vì vậy, phương pháp MRV phải nhìn theo hướng động, không phải đứng tại chỗ.

“Đã từng có những đơn vị đo đạc trực tiếp rất tốn chi phí, cũng có những phần mềm hóa không cần đo vẫn tính được, nhưng không chính xác, chủ yếu dựa trên những số liệu khác để ước tính. Do đó, chúng ta phải tìm ra được một quy trình ứng dụng trên diện rộng, phù hợp với điều kiện địa phương, được người mua ở quốc tế chấp nhận và chi phí phù hợp”, ông Bình phân tích.

Đặc biệt, phương pháp MRV do Bộ NN&PTNT triển khai lần này sẽ tạo cơ sở chuyển giao trong toàn hệ thống của ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương, có sự tiếp nhận lâu dài. Như vậy, mới tạo ra tính bền vững cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Ông Bình cũng nhấn mạnh, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là chương trình của Chính phủ Việt Nam với nhiều đối tác tham gia. Trong đó, WB là một trong những đối tác đồng hành đầu tiên. Nhưng không có nghĩa là đơn vị duy nhất, hiện nguồn vốn của WB chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng.

Những sáng kiến của các tổ chức quốc tế cùng tham gia chứng tỏ đề án nhận được sự lan tỏa mạnh mẽ. Tuy nhiên cần lưu ý, các tiêu chí kỹ thuật để người dân áp dụng thống nhất, tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đồng nhất 3 quan điểm là chuyển đổi phương thức sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL; áp dụng các quy trình canh tác bền vững và đảm bảo nâng cao thu nhập cho bà con nông dân từ 40% trở lên.

he-thong-do-luong-phat-thai-04-1710992461.jpg
Có thể phối hợp phương pháp MRV của nhiều tổ chức để tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. (Ảnh minh họa)

Để thực hiện hiệu quả những định hướng trên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam hoan nghênh và kêu gọi các tổ chức quốc tế cùng tham gia vào phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL. Bộ NN&PTNT tôn trọng các kế hoạch MRV của các tổ chức quốc tế, tuy nhiên vấn đề được Thứ trưởng đánh giá cần phải thống nhất giữa các bên là tuân thủ theo cơ chế quản lý của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, có thể phối hợp phương pháp MRV của nhiều tổ chức để tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Tuy nhiên phải tuân thủ theo những định hướng của Bộ NN&PTNT để không xảy ra vấn đề cạnh tranh trong việc chi trả tín chỉ các bon ở vùng ĐBSCL.

“Phải có một trật tự của thị trường, nên phải có những cơ chế nhất định để quản lý, nhưng không cứng nhắc. Chúng tôi đang xây dựng một định hướng căn cơ của ngành nông nghiệp về các bước kỹ thuật và quy trình canh tác”, Thứ trưởng Nam bày tỏ.

Cái khó khi triển khai phương pháp MRV tại ĐBSCL hiện nay là diện tích rời rạc, vì vậy phải gắn hộ sản xuất nhỏ lẻ vào HTX để có cơ chế hỗ trợ. Đặc biệt là kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn từ vài trăm đến vài nghìn hecta.

Ngân hàng Thế giới xác định, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là dự án trọng điểm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và cam kết sẵn sàng trao đổi tín chỉ các bon với Đề án.

Trong tháng 4 tới, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra kế hoạch MRV để trao đổi, thống nhất với TCAF. Đồng thời xây dựng cơ chế chi trả tín chỉ các bon, thực hiện thí điểm tại 5 địa phương gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh./.

Bình Nguyên