Việt Nam nỗ lực vượt qua ngưỡng giảm phát thải carbon
Nghiên cứu Chỉ số kinh tế Net Zero năm 2023 do Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PwC vừa công bố cho thấy không có nền kinh tế nào ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022 có tốc độ giảm phát thải carbon tiệm cận tới mức cần thiết, để đạt được mục tiêu 1,5°C.
Tuy nhiên, chỉ có 5 nền kinh tế - New Zealand, Pakistan, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam - vượt qua ngưỡng giảm phát thải carbon được đề ra trong mục tiêu NDC của từng quốc gia.
Điểm chung giữa các nền kinh tế này là đều nằm trong nhóm những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng và hầu hết đều có mức giảm về hệ số phát thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch.
Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế có sự chuyển biến chậm hoặc theo hướng tiêu cực trong quá trình giảm cường độ phát thải carbon, và vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chịu trách nhiệm cho 48% lượng khí thải toàn cầu trong năm 2022.
Mặc dù tốc độ giảm phát thải carbon vào năm 2022 ở mức 2,8% - cao hơn so với tỉ lệ toàn cầu là 2,5% - nhưng khu vực này vẫn cần tăng tốc độ giảm phát thải nhanh hơn gấp 6 lần để đạt tỉ lệ 17,2%, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.
Là khu vực kinh tế trọng điểm của thế giới, châu Á - Thái Bình Dương có rủi ro cao nhất về tác động vật lý từ biến đổi khí hậu, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực này phải tách rời phát thải khí nhà kính ra khỏi tăng trưởng kinh tế.
Lộ trình thành lập thị trường tín chỉ carbon
Tại hội nghị tổng kết công tác 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vào tối 17-1, ông Nguyễn Phước Hưng - phó chủ tịch HUBA - kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo hỗ trợ vốn, pháp lý, công nghệ cho doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi xanh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị trung ương sớm ban hành chương trình giảm phát thải nhà kính theo lộ trình cụ thể, xây dựng bộ chỉ số xanh (green index), thành lập thị trường tín chỉ carbon (sàn giao dịch tín chỉ carbon) và các chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà… giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước đó, tại cuộc họp "Đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Bên cạnh đó phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia, cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với quốc tế và xu hướng phát triển thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Đồng thời góp phần tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước trong việc tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, hàng hóa trên thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam có hai loại gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường tín chỉ carbon trong nước.
Từ thực tế nhiều nước đã thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, thứ trưởng Bộ Tài chính đề xuất lập sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia. Hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ trì cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero) trên thực tế, bằng các công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.
"Mục tiêu là tạo ra thị trường tín chỉ carbon công khai, minh bạch, trên cơ sở xác định tổng lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các địa phương, lĩnh vực. Sử dụng các công cụ kinh tế để thay đổi nhận thức, hành vi trong phát thải khí nhà kính...", Phó thủ tướng nói./.