Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 11/4/2024 tại Hà Nội.
Theo thông tin từ hội thảo, trong giai đoạn 2023-2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, nhất là: hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài; xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đối tác lớn; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng; những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, đói nghèo ngày càng nghiêm trọng và tác động, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Những “cơn gió ngược” từ kinh tế thế giới về xung đột chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, v.v… đã gây những tác động bất lợi, khiến kinh tế Việt Nam giảm đà tăng trưởng một cách đáng kể, có những lúc xuống mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Tình hình sản xuất kinh doanh trong nước gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng suy giảm hàng loạt, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, bất thường, thậm chí nhiều xu hướng ngày càng khó khăn hơn, kinh tế Việt Nam quý I/2024 phục hồi và phát triển khá tốt tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Theo TS. Võ Trí Thành, những điểm tích cực có thể kể đến: xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công, tài chính - tiền tệ… Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề quan ngại như: Đầu tư tư nhân chững lại; bất động sản (tín dụng cho vay đối với bất động sản không tăng); tiêu dùng tăng trưởng chưa tương xứng tiềm năng; hoạt động doanh nghiệp khó khăn (số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, các tập đoàn lớn gặp khó, giảm đầu tư)… Trong bối cảnh đó, TS. Võ Trí Thành cho rằng, điều hành chính sách kinh tế vĩ mô thời gian qua đã có nhiều nỗ lực.
Khuyến nghị chính sách thời gian tới, TS. Võ Trí Thành cho rằng các nhóm chính sách giải pháp 2023 có thể có điều chỉnh, song về cơ bản cần được tiếp tục thực hiện trong năm 2024. Nếu năm 2023 trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng; năm 2024 là thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên canh đó, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh và cho rằng phía trước còn nhiều khó khăn, thậm chí sóng bão, song chúng ta vẫn có lý do để tin vào một kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế năm 2024. Quan trọng hơn, hy vọng Việt Nam tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt hơn, chất lượng hơn, cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, để bứt phá phát triển trong giai đoạn tới.
Đồng quan điểm, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần nhìn thẳng vào những thực chất của kinh tế Việt Nam. Phân tích sâu hơn, vị chuyên gia này thẳng thắn nói, chúng ta vẫn thường nói kinh tế Việt Nam nhưng là kinh tế Việt Nam nào, của các doanh nghiệp FDI hay của doanh nghiệp Việt. Bởi như TS Trần Đình Thiên nhìn nhận, kinh tế Việt Nam hiện có thể coi như nền kinh tế mà ông gọi là kinh tế “nhị nguyên” mà ở đó dường như doanh nghiệp Việt vẫn bị thờ ơ.
Về mặt tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có một nghịch lý thành công với việc GDP tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng thị trường, doanh nghiệp, ngân hàng vẫn đối diện nhiều rủi ro. Điểm đặc biệt ở đây là hiện tượng tiền không thể chuyển thành vốn khả dụng để đóng góp cho tăng trưởng.
Bởi vậy theo vị chuyên gia này, liên quan đến những nỗ lực tháo gỡ và động thái chính sách, TS Trần Đình Thiên cho rằng cần nhận thức một cách thực chất hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Cùng đó cần nỗ lực khai thông nền kinh tế trên ba tuyến: Hạ tầng giao thông, các kênh dẫn vốn, các cơ chế và thủ tục./.