Hải Dương: Chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023

Để sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân tỉnh Hải Dương trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, Sở Công Thương Hải Dương đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 2061/KH-SCT ngày 02/12/2022 tới các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhằm cung cấp thông tin định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ thương nhân chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
hd-1671771131.jpg
 

Các doanh nghiệp, nhà phân phối bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2023. Theo đó, để chủ động các phương án phục vụ nhân dân trong dịp Tết, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như:

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm thiết yếu, doanh nghiệp kinh doanh thương mại, các siêu thị và thương nhân trên địa bàn tỉnh: Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương: Xây dựng và triển khai Kế hoạch cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; không để xảy ra mất an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh. Chi nhánh xăng dầu Hải Dương, Xí nghiệp kho vận K132, Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu Hải Dương, Công ty Cổ phần Vật tư Hải Dương, Công ty TNHH Tân Bình, Công ty cổ phần thương mại Chí Linh, Công ty TNHH Tiến Minh và các thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng, dầu cho các cửa hàng trực thuộc, các đại lý, nhượng quyền thương mại.v.v. đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời duy trì thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu. Các thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu cần có kế hoạch bố trí nhân viên bán hàng, đảm bảo cửa hàng xăng dầu mở cửa phục vụ nhân dân thường xuyên, liên tục.

Tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đăng ký giờ bán hàng và bán hàng theo giờ đã đăng ký. Các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ Tết: Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải, Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Hải Dương, các doanh nghiệp sản xuất Bánh đậu xanh, bánh kẹo khác.v.v. cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch để đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, cam kết không tăng giá đột biến nhất là vào những ngày giáp Tết, chú trọng các biện pháp đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, giữ gìn an ninh trật tự.

Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, phân phối nhu yếu phẩm và doanh nghiệp quản lý siêu thị, trung tâm thương mại: Tính toán sát nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của nhân dân để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ cho mọi đối tượng tiêu dùng. Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin về thị trường hàng hoá; chủ động mở rộng quan hệ với nhà sản xuất lớn; dự báo tình hình thị trường để xây dựng kế hoạch dự trữ phù hợp; thực hiện luân chuyển hàng hóa kịp thời đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá hàng đột biến và không để hàng tồn đọng sau Tết.

Đối với các siêu thị kinh doanh tổng hợp (Big C, Intimex, Lan Chi Mart...), hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tự chọn (Vinmart+, Vi-Mart...) cần chuẩn bị đủ lượng hàng hoá đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, nhất là thực phẩm chế biến phục vụ nhu cầu khách hàng trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các vùng lân cận

Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn chủ động rà soát, đánh giá nhu cầu và nguồn cung hàng hóa tại địa phương để chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn. Quan tâm chỉ đạo, bố trí địa điểm đã được phê duyệt để tổ chức các chợ hoa xuân, chợ nông sản phục vụ Tết cho nhân dân; phối hợp cùng đoàn kiểm tra của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các hộ kinh doanh trên địa bàn thực hiện các yêu cầu, các quy định trong kinh doanh thương mại, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hỗ trợ, đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển hàng tiêu dùng, vật tư, nguyên liệu sản xuất được diễn ra bình thường; hỗ trợ các thương nhân khai thác nguồn hàng tại địa phương để tăng nguồn cung trên thị trường.

Chỉ đạo Ban quản lý các chợ tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh trong chợ sắp xếp hàng hoá ngăn nắp, gọn gàng, tránh tình trạng các quầy bầy bán lấn chiếm lối đi chung, lấn chiếm lòng đường vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, cản trở và mất mỹ quan, văn minh chợ; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong và ngoài khu vực chợ. Nghiêm cấm việc thắp hương, đốt vàng mã ở các quầy hàng. Bố trí lực lượng bảo vệ trực thường xuyên 24/24h, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.'

Trong văn bản cũng nêu rõ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, diễn biến thời tiết có ảnh hưởng xấu đến trồng trọt, chăn nuôi; đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm; chủ động có phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu nói chung, mặt hàng thịt lợn, thịt gà nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão; tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường hàng thực phẩm phục vụ nhân dân.

Cục Quản lý thị trường: Tăng cường phối hợp với Sở Công Thương, các ngành và đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trước, trong và sau Tết. Tập trung kiểm tra việc thực hiện ghi nhãn hàng hoá, nhất là đối với hàng thực phẩm như: rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, nước mắm. v.v.; kiểm tra việc niêm yết giá của các đối tượng kinh doanh phục vụ Tết. Chủ động đánh giá tình hình, giám sát hoạt động tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, có kế hoạch đối phó với việc găm hàng, đầu cơ tạo cơn sốt ảo trong dịp Tết. Ngăn chặn và xử lý kịp thời việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc;

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Quyết định số 406/QĐ-TTg ngày 08/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo nổ; Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg ngày 17/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời”.

Với việc triển khai đồng bộ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc cân đối cung cầu nhóm hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, giá cả các tháng cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 chắc chắn sẽ mang lại kết quả tích cực; góp phần chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn thị trường, giá cả; phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc với tinh thần đoàn kết, vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm./.

Mai Linh