Cao điểm chống bão số 3, hàng hóa thiết yếu cung ứng dồi dào người dân không cần vội vã thu mua tích trữ

Thông tin từ Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ người dân khi bão số 3 đổ bộ, các địa phương đã có các phương án chủ động ổn định thị trường. Tại các địa phương ảnh hưởng trực tiếp bão số 3, trong bất kỳ tình huống nào hệ thống siêu thị, chợ truyền thống sẽ đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu.
cung-ung-hang-hoa-chong-bao-so-3-1-1725714861.jpg
Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước và Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra việc cung ứng hàng hóa chiều 6/9. (Ảnh Vietnam+)

Đảm bảo đủ nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm bất kỳ tình huống nào

Theo đó, tại Hà Nội, sáng ngày 7/9 các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn vẫn mở cửa phục vụ người dân. Lượng hàng hóa hàng thiết yếu (nhất là các mặt hàng tươi sống, rau củ quả…) tại các điểm bán đã được bổ sung đầy đủ, nguồn cung ứng dồi dào.

Để đối phó với cơn bão số 3, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn đã làm việc với các nhà cung cấp và có kế hoạch đẩy mạnh dự trữ các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, trong đó các mặt hàng tươi sống, rau xanh, củ quả tăng gấp 2 so với ngày bình thường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có phương án luân chuyển hàng hóa liên tục đến tại các điểm bán, triển khai các kênh bán hàng trực tuyến để sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ đầy đủ nhu cầu của nhân dân.

Trong sáng 7/9, lượng khách đến mua sắm tại các điểm bán hàng đã giảm mạnh so với ngày 6/9, các mặt hàng được ưu tiên mua sắm vẫn là các mặt hàng tươi sống và rau củ; giá bán hàng hóa tương đối ổn định.

Về nguồn cung hàng hóa của Hà Nội, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh thông tin, trong bất kỳ tình huống nào hệ thống siêu thị và chợ truyền thống sẽ đảm bảo đủ nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.

cung-ung-hang-hoa-chong-bao-so-3-4-1725714776.jpg
Các tiểu thương ở Hà Nội chủ yếu kinh doanh rau củ, mặt hàng được nhiều người lựa chọn khi mưa bão. (Ảnh minh họa)

Ngành Công thương Hà Nội yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối… tăng lượng dự trữ các mặt hàng thiết yếu nên hiện nguồn hàng hóa trên thị trường rất dồi dào, giá cả ổn định vì vậy người dân không cần quá lo lắng việc thiếu lương thực, thực phẩm.

Còn tại Quảng Ninh, tính đến 16h ngày 6/9, tình hình nhu cầu mua sắm dự trữ hàng hóa thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng so với ngày trước đó, tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm (mì tôm; rau, củ, quả; thịt lợn, bò; thủy sản tôm, cá; dầu ăn, bột canh...). Lượng hàng rau, củ, quả, thịt lợn cung ứng tại các chợ, cửa hàng nhỏ có xu hướng giảm do người dân tập trung mua nhiều hơn so với ngày thường.

Tuy nhiên, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi do có sự chuẩn bị trước dẫn đến lượng hàng tại các cơ sở này luôn ổn định và có xu hướng tăng so với ngày thường nhằm sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân (trong đó có siêu thị MM Mega Market đã chủ động tăng cường thêm 2 chuyến hàng về rau, củ, quả; thực phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân).

Một số mặt hàng rau, củ, quả có xu hướng tăng từ 5%-10% so với ngày trước đó, tập trung tại các chợ, cửa hàng nhỏ. Giá cả tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định chưa có xu hướng tăng hay giảm so với ngày trước đó.

Để đảm bảo hàng hóa, Sở Công thương đã khuyến khích các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đăng tải thông tin hàng hóa của đơn vị lên Zalo,Fcbebook cá nhân/đơn vị để người tiêu dùng biết, lựa chọn mua sắm hàng hóa; Kích hoạt nhóm zalo liên hệ với phòng kinh tế/kinh tế hạ tầng/kế hoạch tài chính của 13 địa phương trong tỉnh để thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình cung cầu, giá cả thị trường và diễn biến bão trên địa bàn tỉnh.

Về phương án đảm bảo cấp điện, theo Bộ Công Thương, 100% đơn vị hoạt động điện lực đã xây dựng và thực hiện phương án phòng chống lụt bão; bố trí nhân lực, vật lực; tổ chức ứng trực 24/24 . Các nhà máy nhiệt điện thường xuyên kiểm tra các khu vực tiềm ẩn nguy cơ sự cố như: Bãi thải xỉ, đường ống thải xỉ...

Truyền tải điện Đông Bắc 1 đã thành lập đoàn công tác kiểm tra toàn bộ hệ thống đường dây và trạm biến áp, đến thời điểm báo cáo hệ thống thiết bị điện của đơn vị hoạt động ổn định, chưa có khu vực bị ảnh hưởng của bão; Công ty điện lực Quảng Ninh đã thành lập 04 Tổ công tác kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện của 13 huyện, thị xã, thành phố…

Các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, chủ cơ sở đã chủ động kiểm tra, rà soát và có phương pháp bảo vệ những vị trí xung yếu (các công trình nhà tạm, mái tôn, biển báo, tường bao, hàng rào, hệ thống thoát nước, máy móc thiết bị, cây cối xung quanh....); kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện, nước tại đơn vị và tắt toàn bộ cầu dao điện sản xuất (nếu có nguy cơ mất an toàn) nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của đơn vị, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, thiên tai; phân công người trực bố trí huy động lực lượng, phương tiện triển khai phòng chống bão và sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống tại đơn vị.

Đảm bảo ổn định nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong cao điểm chống bão

Tại Hải Phòng, báo cáo nhanh từ hệ thống các siêu thị kinh doanh tổng hợp trên địa bàn, chiều ngày 6/9, lượng người vào siêu thị mua sắm tăng mạnh, tăng khoảng 50-60% so với ngày thường để dự trữ lương thực, thực phẩm, do tâm lý lo ngại ảnh hưởng của cơn bão số 3, người dân tập trung chủ yếu mua các mặt hàng thiết yếu như: gạo, mỳ, rau, củ, thức ăn chế biến sẵn và thực phẩm tươi sống.

Trong khi đó, ghi nhận thực tế tại một số chợ trên địa bàn vào sáng ngày 7/9, một số cửa hàng bách hóa trên địa bàn quận Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng, Hải An, nhiều hộ tiểu thương tại các chợ đã đóng các quầy hàng, các quầy hàng mở cửa chủ yếu bán các mặt hàng rau củ quả, thịt, gạo, mỳ, lượng người dân mua sắm tại các chợ rất ít, đối với các cửa hàng bách hóa kinh doanh tại nhà vẫn mở cửa phục vụ khách hàng, tuy nhiên nhu cầu mua sắm không lớn.

“Sáng ngày 7/9/2024, mặc dù hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố vẫn mở cửa hoạt động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, nhưng lượng khách hàng đến mua sắm không đông, thậm chí còn giảm so với ngày thường dù vào ngày cuối tuần do thời tiết Hải Phòng đã bắt đầu có mưa to, gió lớn. Người dân chủ yếu tập trung vào mua sắm các mặt hàng thiết yếu để phòng chống bão”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

cung-ung-hang-hoa-chong-bao-so-3-3-1725714978.jpg
Hàng hóa được cung ứng đầy đủ tại các siêu thị tại Hải Phòng. (Ảnh minh họa)

Về nguồn cung hàng hóa cho Hải phòng, tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa được vận chuyển từ các kho trong và ngoài thành phố của các doanh nghiệp từ 04h-06h sáng ngày 7/9, theo báo cáo từ hệ thống các siêu thị, lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp đối với các mặt hàng thiết yếu cung ứng ra thị trường tăng 60-80% so với ngày thường. Đối với các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, hàng thủy hải sản, trứng gia cầm số lượng còn khá nhiều, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ ít.

Đối với 07 doanh nghiệp cam kết dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024, tính đến ngày 7/9 vẫn duy trì số lượng hàng dự trữ theo đăng ký.

Như vậy, tính đến trưa ngày 7/9, tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố vẫn ổn định, người dân, các hộ gia đình cũng đã chủ động phương án dự trữ hàng hóa để phòng chống bão số 3 từ một vài ngày trước đó, một số tổ chức, cơ quan, chính quyền địa phương cũng đã chuẩn bị hàng hóa, lương thực thực phẩm cho các hộ gia đình phải di dời đến trường học đảm bảo an toàn phòng chống bão.

Bên cạnh đó, hệ thống các doanh nghiệp kinh doanh thương mại cũng đã chủ động xây dựng phương án cung ứng hàng hóa tăng 50% so với ngày thường (Siêu thị MM Mega Market dự trữ tăng 45-50%, Siêu thị Aeon dự trữ tăng 50-70%, Siêu thị Co.op Mart dự trữ tăng 50-55%, Siêu thị Go HP dự trữ tăng 45-50%).

Đại diện Vụ thị trường trong nước dự báo trong ngày 8/9, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa tiếp tục mở hàng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ giảm do mưa, bão và hàng hóa thiết yếu đã được mua từ ngày 6/9; các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm và mặt hàng thiết yếu, trong khi tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu lương thực, thực phẩm, xăng dầu cơ bản đảm bảo./.

Bình Châu